“Rất khó để tưởng tượng rằng một hành động khủng bố như vậy có thể xảy ra mà không có sự tham gia của một quốc gia bên ngoài. Đây là một tình huống cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi điều tra cấp bách” – ông Peskov phát biểu tại cuộc họp báo hằng ngày. 

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, một cuộc điều tra như vậy đòi hỏi sự hợp tác của một số quốc gia nhưng các bên đang “thiếu sự giao tiếp” và một số quốc gia “không sẵn sàng liên lạc với Nga”. 

Đường ống Nord Stream 1 qua Lubmin – Đức. Ảnh: Reuters

Cáo buộc được ông Peskov đưa ra sau khi cảnh sát biển Thụy Điển phát hiện vụ rò rỉ khí thứ tư trên các đường ống Nord Stream bị hư hại.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về “vụ việc có chủ đích” liên quan tới đường ống Nord Stream. 

Trước đó, ngày 28-9, Nga mở cuộc điều tra vụ rò rỉ đường ống Nord Stream với cáo buộc đó là “hành động khủng bố quốc tế”. Moscow nói rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden “bắt buộc” phải trả lời nếu Washington đứng sau vụ rò rỉ này. Cả Nga lẫn Mỹ đều khẳng định không liên quan tới sự cố. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ nhóm họp vào ngày 30-9 để thảo luận về các vụ rò rỉ.

Trong một diễn biến khác, ông Peskov thông báo Nga sẽ chính thức sáp nhập 4 khu vực Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine – hiện do Nga kiểm soát – vào ngày 30-9. 

“Ngày mai, tại Hội trường Georgia và Điện Kremlin lúc 15 giờ (giờ địa phương), lễ ký kết sáp nhập các vùng lãnh thổ mới vào Nga sẽ diễn ra. Nhà lãnh đạo Nga dự kiến có bài phát biểu lớn nhân sự kiện này” – ông Peskov cho biết. 

Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển (G7) tuyên bố họ sẽ không công nhận các cuộc trưng cầu dân ý nhằm sáp nhập lãnh thổ Ukraine vào Nga. Kiev đã yêu cầu phương Tây viện trợ quân sự bổ sung trước động thái sáp nhập của Nga.


Hải Ngọc – Phạm Nghĩa