Trong cuộc họp báo hằng ngày ở thủ đô Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Mỹ có thể nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột nếu muốn.

Thế nhưng theo ông Peskov, “chúng tôi nhận thấy chủ nhân hiện tại của Nhà Trắng không muốn sử dụng chìa khóa này. Ngược lại, Washington lựa chọn con đường bơm thêm vũ khí vào Ukraine”.

Theo hãng tin Reuters, Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine nhận lệnh từ Washington và nói rằng Mỹ đang kéo dài xung đột bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev.

Trong khi đó, Mỹ khẳng định việc cung cấp vũ khí cho Ukraine không gây ra mối đe dọa tấn công nhằm vào Nga. Washington cũng nói rằng chính Moscow đã châm ngòi xung đột. Vì thế chiến sự chỉ có thể kết thúc khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Xe tăng M1A2 SEP (V2) Abrams đang được dỡ xuống tại sân bay Fort Carson. Ảnh: Quân đội Mỹ

Mỹ và các đồng minh phương Tây đồng loạt đưa ra cam kết viện trợ xe tăng và hệ thống phòng không cho Ukraine trong bối cảnh xung đột tiếp tục leo thang. Những nước này sẵn sàng chuyển khoảng 150 xe tăng chiến đấu các loại đến Ukraine.

Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2-2022. Mới đây, ngày 25-2, chính quyền Tổng thống Biden công bố quyết định trang bị cho Ukraine xe tăng M1A1 Abrams.

Phản ứng trước thông tin này, Điện Kremlin tuyên bố bất kỳ xe tăng chiến đấu Abrams nào do Mỹ cung cấp cho Ukraine sẽ bị “đốt cháy”, đồng thời khẳng định rằng việc cung cấp Abrams cho Ukraine chỉ thêm tốn kém.

Lực lượng thân Nga ở Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 27-1 cho biết ông hy vọng Nam Phi sẽ sử dụng mối quan hệ tốt đẹp với Nga để thuyết phục nước này ngừng chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.

Trao đổi với Bộ trưởng Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Nam Phi Naledi Pandor tại thủ đô Pretoria, ông Borrell cho biết: “EU không yêu cầu Nam Phi chọn bên, mà chỉ yêu cầu các nước trên thế giới tuân theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

Ông Pandor nói thêm: “EU coi Nam Phi là một đối tác quan trọng trong trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Không chỉ Nam Phi, các quốc gia châu Phi khác cần phải đóng vai trò tìm kiếm giải pháp hòa bình”.


Huệ Bình