Đài Sputnik đưa tin bên cạnh thông báo trên, ông Lavrov cũng nhấn mạnh rằng người dân Ukraine nên tự quyết định số phận của mình.

Ông Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình India Today: “Chúng tôi không ủng hộ việc thay đổi chế độ ở Ukraine”.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” sau khi lực lượng Ukraine đẩy mạnh tấn công ở vùng Donbas, khiến dân thường sơ tán hàng loạt khỏi khu vực và buộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng phải yêu cầu Moscow giúp đỡ.

Một lần nữa, ông Lavrov khẳng định Nga chỉ nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine và đang xem xét lựa chọn sử dụng vũ khí thông thường trong chiến dịch quân sự ở giai đoạn mới này.

Một binh sĩ Nga đứng tại sân bay ở Ukraine trong thời gian Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Ảnh: Sputnik

Ông Lavrov còn đề cập tới việc Nga luân chuyển vị trí lực lượng của họ ở Ukraine sau cuộc đàm phán ở TP Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ như một cử chỉ thiện chí và cam kết hòa bình. Tuy nhiên, điều đó không được Kiev tôn trọng đúng mức và chính quyền Ukraine lập tức dàn dựng vụ “thảm sát ở Bucha” nhằm vu khống Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng phàn nàn rằng nếu Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky hợp tác thực hiện thỏa thuận Minsk thì cuộc khủng hoảng đã chấm dứt từ lâu.

“Tôi nghĩ phương Tây lợi dụng ông Zelensky để chống lại Nga. Phương Tây đã làm mọi thứ để nâng đỡ ông ấy với hy vọng bỏ qua thỏa thuận Minsk” – ông Lavrov bình luận.

Thỏa thuận Minsk là nền tảng của tiến trình hòa bình ở Donbas. Thỏa thuận nêu rõ các động thái ngừng bắn, rút ​​vũ khí, ân xá, khôi phục quan hệ kinh tế và tiến hành cải cách Hiến pháp ở Ukraine thông qua đối thoại với DPR và LPR nhằm phân cấp quyền lực và cung cấp trạng thái đặc biệt cho một số quận nhất định của hai vùng Donetsk và Luhansk.

Mặc dù vậy, quá trình đàm phán bị đình trệ do Kiev từ chối thực hiện các điều khoản chính trị của thoả thuận Minsk, theo phía Nga. Cụ thể, Nga cho rằng phía Ukraine từ chối tổ chức bất kỳ cuộc đối thoại trực tiếp nào với DPR và LPR, phản đối việc củng cố quy chế đặc biệt của hai vùng này trong Hiến pháp, đồng thời yêu cầu kiểm soát một phần biên giới với Nga ở Donbas cho đến khi thoả thuận có hiệu lực.

Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” từ ngày 24-2 nhằm ngăn chặn cuộc chiến kéo dài 8 năm ở Donbas. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết mục tiêu của Nga là phi phát xít hóa và phi quân sự hóa Ukraine.


Phạm Nghĩa