Trước đó cùng ngày, các nhóm đối lập ở Kyrgyzstan tuyên bố nắm quyền sau khi kiểm soát các tòa nhà chính phủ trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử diễn ra.

Thủ tướng Kyrgyzstan Kubatbek Boronov đã từ chức sau khi Ủy ban Bầu cử Trung ương (CEC) hủy bỏ kết quả bầu cử quốc hội bị tố gian lận hôm 4-10.

Thủ tướng Boronov và Chủ tịch quốc hội Dastan Jumabekov đã trình đơn từ chức trong một cuộc họp với các nhà lập pháp tại thủ đô Bishkek hôm 6-10.

Trong phiên họp khẩn cùng ngày, quốc hội Kyrgyzstan bổ nhiệm ông Sadyr Zhaparov, người sáng lập đảng đối lập Mekenchil, làm quyền thủ tướng sau khi ông được người biểu tình xông vào tù phóng thích.

Thủ tướng Kyrgyzstan Kubatbek Boronov đã trình đơn từ chức vào ngày 6-10. Ảnh: Anadolu Agency

Căng thẳng bắt đầu leo thang ở Kyrgyzstan vào ngày 5-10 khi hàng ngàn người xuống phố để phản đối điều họ mô tả là gian lận bầu cử.

Lực lượng an ninh đã đáp trả bằng khí cay, đạn cao su và lựu đạn gây choáng, khiến một thanh niên thiệt mạng và 590 người bị thương. Sau đó cùng ngày, người biểu tình xông vào Nhà Trắng, nơi tọa lạc của văn phòng tổng thống và quốc hội Kyrgyzstan.

Đến ngày 6-10, một nhóm gồm 13 đảng phái đối lập thành lập Hội đồng Điều phối để tìm ra giải pháp đưa Kyrgyzstan thoát khỏi thế bế tắc hiện tại.

Bên cạnh Thủ tướng Boronov và Chủ tịch quốc hội Jumabekov, thị trưởng của Bishkek và Osh, cùng thống đốc của các khu vực Naryn, Talas và Issyk-Kul cũng đã từ chức.

Người biểu tình xông vào Nhà Trắng phản đối kết quả bầu cử quốc hội. Ảnh: Reuters

Tổng thống Sooronbay Jeenbekov, đồng minh của ông Boronov, đã kêu gọi các bên bình tĩnh. Tuy nhiên, phần lớn giới chuyên gia khẳng định chuỗi ngày nắm quyền của ông Jeenbekov sắp chấm dứt.

“Tổng thống Jeenbekov từng cam kết tạo điều kiện công bằng cho mọi đảng phái và không lặp lại sai lầm của 2 người tiền nhiệm bị lật đổ. Tuy nhiên, ông lại đi vào vết xe đổ của họ. Tình hình chính trị Kyrgyzstan hiện rất rối bời. Chúng tôi không biết ai đang lãnh đạo đất nước” – bà Aruuke Uran Kyzy, một chuyên gia Kyrgyzstan, chia sẻ với đài Al Jazeera.

Lực lượng an ninh dùng khí cay, lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông biểu tình ở thủ đô Bishkek hôm 5-10. Ảnh: AP


Cao Lực (Theo Reuters, Al Jazeera)

Chia sẻ