“Trên thực tế, lệnh trừng phạt góp phần khoét sâu mâu thuẫn và cuối cùng, đẩy người dân Myanmar vào một cuộc nội chiến toàn phần” – Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, theo Interfax.

Dù vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố khối Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng cường trừng phạt quân đội Myanmar cũng như các thực thể kinh tế liên quan.

“Chúng tôi sẽ áp lệnh trừng phạt kinh tế bổ sung ở cấp độ 27 (quốc gia EU)…nhằm vào các thực thể kinh tế liên quan đến quân đội Myanmar để các biện pháp trừng phạt được áp dụng nhanh chóng” – Bộ trưởng Le Drian nhấn mạnh.

EU tháng rồi trừng phạt nhiều cá nhân liên quan đến cuộc đảo chính hôm 1-2 và các đợt trấn áp bạo lực người biểu tình sau đó. Mỹ cũng thực hiện nước đi tương tự chống lại những cá nhân và doanh nghiệp quân đội Myanmar có ảnh hưởng kinh tế lớn đối với quốc gia này.

Lệnh trừng phạt nhằm vào quân đội Myanmar đến giờ chưa thể thay đổi tình hình. Ảnh: Reuters

Hơn 2 tháng kể từ khi quân đội Myanmar lật đổ chính quyền dân sự, căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, người biểu tình hôm 6-4 tiếp tục xuống phố phản đối chính quyền quân sự, xịt sơn đỏ lên đường – tượng trưng cho máu đổ trong các đợt trấn áp bạo lực của lực lượng an ninh.

“Máu vẫn chưa khô” – một thông điệp màu đỏ cho hay.

Theo Tổ chức Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), gần 3.500 người đã bị bắt giữ và khoảng 570 người – trong đó có hàng chục trẻ em, đã thiệt mạng vì đạn của binh lính và cảnh sát Myanmar trong các cuộc biểu tình nổ ra gần như mỗi ngày kể từ đảo chính.

Trong số những người bị bắt giam, có lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi và các thành viên đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ () nắm quyền của bà.

Người biểu tình xịt sơn đỏ lên đường – tượng trưng cho máu đổ trong các đợt trấn áp bạo lực của lực lượng an ninh Myanmar. Ảnh: AP


Cao Lực

Chia sẻ