Động thái từ hai cường quốc trung lập về mặt lịch sử sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất đối với cấu ​​trúc an ninh của châu Âu trong nhiều thập kỷ. Điều này cũng phản ánh sự thay đổi sâu rộng về nhận thức ở khu vực Bắc Âu kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24-2.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Ryabkov cho biết: “Tình hình tất nhiên thay đổi đáng kể theo những gì đang xảy ra. Thực tế là an ninh của Thụy Điển và Phần Lan sẽ không được tăng cường bởi quyết định này. Họ không nên ảo tưởng rằng chúng tôi sẽ đơn giản chấp nhận điều đó”.

Theo ông Ryabkov, mức độ căng thẳng quân sự nói chung sẽ tăng lên, khả năng dự đoán trước các kịch bản sẽ giảm xuống.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: Reuters

Hai quốc gia Bắc Âu dự kiến cùng nộp đơn gia nhập NATO trong tuần này. Theo đài CNN, việc Phần Lan gia nhập NATO, tiến trình có thể sẽ mất nhiều tháng để hoàn thành, sẽ đưa liên minh quân sự Mỹ đến trước thềm nước Nga vì hai quốc gia có chung đường biên giới dài 1.335 km. Trước khi quyết định xin gia nhập NATO, Phần Lan đã duy trì chính sách trung lập trong 75 năm trong khi Thụy Điển thực hiện chính sách này suốt hai thế kỷ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Áo và Estonia đã nói về triển vọng của gói trừng phạt thứ 6 sắp tới của EU nhằm vào Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg cho rằng gói trừng phạt sẽ được đưa ra trong những ngày tới”. Ông Schallenberg cho hay gói trừng phạt thứ 6 sẽ “rất quan trọng” nhưng vẫn còn một số yêu cầu nhất định phải thảo luận. Theo ông Schallenberg, vấn đề quân sự của Nga sẽ là mục tiêu trong các lệnh trừng phạt sắp tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg. Ảnh: AP

Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Eva-Maria Liimets bày tỏ hy vọng các nước thành viên EU sẽ “đạt được tiến bộ”, gói trừng phạt này sẽ được thông qua và các lệnh trừng phạt liên quan đến dầu cũng sẽ được đưa ra lần này, song song với việc kêu gọi tiếp tục ủng hộ Ukraine về quân sự và nhân đạo.


Xuân Mai