Tại TP Yangon, cảnh sát bắn đạn cao su và ném lựu đạn khói vào nhóm người biểu tình có sự tham gia của khoảng 100 bác sĩ. Tình hình căng thẳng khiến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) cùng ngày phải tổ chức cuộc họp khẩn.

Cao ủy về nhân quyền LHQ Michelle Bachelet hôm 4-3 cho biết ít nhất 54 người đã thiệt mạng và hơn 1.700 người bị bắt kể từ sau cuộc đảo chính hôm 1-2. Bà Bachelet kêu gọi lực lượng an ninh Myanmar dừng “đàn áp người biểu tình ôn hòa”.

Ông Thomas Andrews, điều tra viên nhân quyền của LHQ về Myanmar, cũng thúc giục HĐBA áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào quân đội Myanmar.

Lễ tang của một nạn nhân bị bắn chết trong cuộc biểu tình ở ngoại ô TP Yangon hôm 5-3 Ảnh: REUTERS

Trước tình trạng bạo lực leo thang ở Myanmar, Bộ Thương mại Mỹ hôm 4-3 áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ Myanmar cùng hai tập đoàn liên kết với quân đội là MEC và MEHL. Các biện pháp này hạn chế quân đội Myanmar tiếp cận một số loại hàng hóa của Mỹ.

Theo đài CNBC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price kêu gọi quân đội Myanmar kiềm chế tối đa và cảnh báo Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo để quy trách nhiệm về việc giam giữ và có hành động bạo lực nhằm vào người biểu tình.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đang làm việc với các quốc gia khác để gửi thông điệp chung rằng hành động của quân đội Myanmar là không thể chấp nhận và sẽ phải gánh chịu hậu quả. Song song đó, Mỹ thúc giục Trung Quốc – quốc gia đến nay vẫn không lên án cuộc đảo chính tại Myanmar – góp sức nhằm chấm dứt cuộc đảo chính tại đất nước Đông Nam Á này.

Trong nỗ lực tăng cường sức ép, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ngừng các dự án phát triển ở Myanmar để tránh các khoản hỗ trợ tài chính rơi vào tay quân đội. 


Xuân Mai

Chia sẻ