Hãng tin Reuters bình luận các nhà sử học trong tương lai có thể xem năm 2020 là thời điểm cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc biến thành một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Hai nước đang đối đầu tại nhiều khu vực địa lý (Nam Á, Đông Nam Á, Úc, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ Latinh) và trong nhiều vấn đề (thương mại, đầu tư, công nghệ, gián điệp, thể chế quốc tế, chính sách y tế, hải quân, không quân, tên lửa, tranh chấp lãnh thổ). Ngoài danh sách dài những bất đồng, Mỹ và Trung Quốc hầu như không có lợi ích chung đáng kể nào.

Cả hai đang cố gắng lôi kéo các nước thứ ba vào một liên minh, qua đó khiến thế giới sẽ phân chia thành hai khối riêng biệt và có sự đối đầu hoàn toàn. Về cơ bản, đó là định nghĩa chiến tranh lạnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 năm ngoái. Ảnh: AP

Một số nhà hoạch định chính sách và phân tích, nghiên cứu chiến lược vẫn ngần ngại sử dụng khái niệm chiến tranh lạnh. Họ thận trọng khi đánh giá sự tương đồng giữa quan hệ căng thẳng Mỹ – Trung với cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Mỹ và Liên Xô cũng như tác động đối với quan hệ quốc tế trong trung và dài hạn.

Đối đầu Mỹ – Trung đã bắt đầu từ lâu và năm 2020 dường như đánh dấu bước ngoặt trong cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế nặng nề nhất trong một thế kỷ đã làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ hai nước. Vấn đề này cũng trở thành vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới bởi cả hai ứng cử viên của đảng Cộng hòa (đương kim Tổng thống Donald Trump) và đảng Dân chủ (cựu phó Tổng thống Joe Biden) đều cho thấy lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Cuộc xung đột hiện còn liên quan đến hầu hết quan chức cấp cao ở cả hai nước. Nó có thể sẽ tiếp tục cho đến khi một hoặc hai bên không thể kham nổi các thiệt hại.

Ngoài xung đột kinh tế, một số vấn đề khác có thể châm ngòi cho giao tranh thực tế giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó có Đài Loan và biển Đông. Vì vậy, những người ủng hộ cách tiếp cận đối đầu giữa hai siêu cường này nên thận trọng với những gì họ mong muốn.


Phạm Nghĩa (Theo Reuters)

Chia sẻ