“Quicksink là câu trả lời cho tính cấp thiết nhằm vô hiệu hoá các mối đe doạ tự do hàng hải trên toàn thế giới. Chúng tôi đã nỗ lực tìm ra phương thức tối ưu nhất để giải quyết những thách thức to lớn nhất đối với quốc gia” – hãng thông tấn Sputnik của Nga dẫn lời Đại tá Tony Meeks, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL), cho biết.

Đoạn video do AFRL công bố hôm 3-5 cho thấy bom dẫn đường Quicksink được trút xuống từ tiêm kích đa năng F-15E Strike Eagle. Mục tiêu của nó là một “tàu hàng cũ” nhưng AFRL không cung cấp thêm thông tin. Chỉ trong vòng 30 giây, toàn bộ con tàu bị bao phủ bởi một đám mây nước, trước khi chôn xác dưới đáy đại dương.

Mỹ công bố video bom thông minh vùi xác tàu hàng trong “nốt nhạc”Bom dẫn đường Quicksink phá hủy tàu hàng trong vòng 30 giây. Nguồn: AFRL

Đây là lần thứ hai Không quân Mỹ thử nghiệm bom dẫn đường Quicksink tiêu diệt mục tiêu trên biển, sau lần đầu vào năm 2021. Lần đầu, có sự tham gia của 3 chiếc F-15E và một máy bay ném bom B-52H Stratofortress.

Quicksink được hoán cải từ bom GBU-31/B JDAM nhằm tấn công chiến hạm. Bom dẫn đường Quicksink mà Mỹ mới thử nghiệm nặng 907 kg.

Phiên bản JDAM thông thường có tầm bay hiệu quả 25 km, khiến máy bay mang đạn phải áp sát mục tiêu trước khi thả bom.

Phương thức phá hủy mục tiêu Quicksink có nhiều nét tương đồng với ngư lôi Mark 48 của Mỹ. Nó giữ nguyên hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ bởi định vị vệ tinh ở đuôi như mẫu GBU-31/B nguyên bản, kèm theo đầu dò loại mới lắp ở mũi. Đầu dò này dường như được trang bị radar và ứng dụng thiết kế đa chức năng, cho phép quả đạn tìm kiếm và khóa mục tiêu trong quá trình lao tới và đặc biệt có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết trên biển.

Một điểm khác nữa của Quicksink chính là gây ra sức nổ mạnh hơn nhiều so với các loại vũ khí khác, chẳng hạn như tên lửa chống hạm hoặc hầu hết các loại ngư lôi phóng từ tàu ngầm – theo Sputnik.


Bằng Hưng