Theo hãng tin Bloomberg, một khi hoàn thành, kế hoạch này sẽ mang lại lợi thế công nghệ cho Mỹ trong tương lai giữa cuộc chạy đua với Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông.

Các quan chức Washington xác nhận Nhà Trắng đã gặp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức công nghệ và chuyên gia học thuật vào cuối tuần trước để phát triển chiến lược cho mạng 6G sắp tới. Mỹ dự kiến triển khai mạng 6G dựa trên kinh nghiệm phát triển mạng 5G nhằm tối ưu hóa hiệu suất, khả năng tiếp cận và bảo mật.

Hiện công nghệ 6G vẫn ở giai đoạn sơ khai. Điều đó có nghĩa là phải mất nhiều năm nữa để phổ biến mạng di động này. Kết quả thu được sẽ là tốc độ internet nhanh hơn đáng kể so với mạng 5G và giúp mở rộng khả năng truy cập internet tốc độ cao trên toàn cầu.

Công nhân lắp đặt thiết bị 5G tại một tòa tháp ở Mỹ Ảnh: REUTERS

Trung Quốc không ở ngoài cuộc đua này. Vào cuối năm 2020, Trung Quốc phóng thành công vệ tinh khảo sát triển khai công nghệ 6G, đồng thời hy vọng xác minh hiệu suất của dải tần 6G trong không gian. Bắc Kinh được cho là sử dụng công nghệ này để thúc đẩy các mục tiêu an ninh quốc gia và tăng thị phần công nghiệp viễn thông trên toàn cầu.

Huawei, tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc, đang chuẩn bị triển khai mạng 6G riêng, với hy vọng ra mắt “mạng cực nhanh” vào năm 2030. Huawei là đích nhắm trừng phạt của Mỹ trong những năm gần đây, với lý do “đe dọa quyền riêng tư và an ninh quốc gia của Mỹ”.

 Bắc Kinh phản bác cáo buộc này, cho đây là động thái gạt bỏ đối thủ cạnh tranh nước ngoài tại thị trường Mỹ, đồng thời lên án Washington muốn “bá quyền công nghệ” và vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Để tăng tính cạnh tranh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 21-4 khuyến khích công ty trong nước phá vỡ các rào cản công nghệ giữa lúc Bắc Kinh huy động khu vực tư nhân đối phó với áp lực từ Mỹ và đồng minh. Các chuyên gia trong ngành nhận định nỗ lực thúc đẩy 6G của Trung Quốc sẽ giúp nước này ổn định chuỗi công nghiệp quan trọng và tạo thêm động lực phục hồi kinh tế. 


Phạm Nghĩa