Cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi diễn ra tại Nhà Trắng, nằm trong khuôn khổ đối thoại chiến lược trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Iraq.

Mặc dù sứ mệnh chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq sẽ chấm dứt vào cuối năm nay, ông Biden cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố, quân đội Mỹ tiếp tục đào tạo, hỗ trợ, giúp đỡ quân đội Iraq và đối phó với nhóm khủng bố Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng khi lực lượng này trỗi dậy.

Mỹ thông báo chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu ở Iraq

Ông Biden phát biểu khi bắt đầu cuộc họp tại Phòng Bầu dục với Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi: “Vai trò của chúng tôi ở Iraq sẽ là… tiếp tục đào tạo, hỗ trợ, giúp đỡ và đối phó IS nếu lực lượng này trỗi dậy nhưng đến cuối năm chúng tôi sẽ không tham gia nhiệm vụ chiến đấu”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi tại Phòng Bầu dục hôm 26-7. Ảnh: The New York Times

Hiện có khoảng 3.500 binh lính nước ngoài vẫn đang đồn trú trên lãnh thổ Iraq, trong đó có 2.500 lính Mỹ, vốn được điều động tới Iraq để tham gia cuộc chiến chống IS.

Theo Reuters, quyết định này được cho là sẽ không có tác động lớn đến tình hình trên thực địa vì quân Mỹ sẽ chuyển sang hướng tập trung vào việc huấn luyện các lực lượng Iraq. Hiện tại chưa rõ Mỹ sẽ duy trì bao nhiêu binh sĩ tại Iraq sau khi chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu.

Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003 để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, sau đó rút hoàn toàn lực lượng khỏi Iraq vào tháng 12-2011 theo lệnh của Tổng thống Barack Obama. Từ năm 2014, lực lượng Mỹ được triển khai trở lại để chống IS theo đề nghị của chính phủ nước này.

Tổng thống Joe Biden tuyên bố chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu của Mỹ ở Iraq. Ảnh: Reuters

Quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ cho biết trước thềm cuộc gặp với ông Kadhimi: “Sẽ không có ai tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ. Mục tiêu là bảo đảm sự thất bại của IS”. Dường như người này ám chỉ biểu ngữ “Hoàn thành nhiệm vụ” được treo trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln khi cựu tổng thống Bush tuyên bố chấm dứt các hoạt động tác chiến quy mô lớn tại Iraq vào ngày 1-5-2003.

Trước chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Al-Kadhimi nói với hãng tin AP rằng không cần bất kỳ lực lượng tác chiến nước ngoài nào ở lại Iraq. Những gì Iraq muốn từ sự hiện diện của Mỹ là hỗ trợ các lực lượng của Iraq đào tạo, phát triển hiệu quả và năng lực của họ cũng như trong hợp tác an ninh.

Các nhà phân tích lưu ý giới lãnh đạo Iraq phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các phe phái Shia theo đường lối cứng rắn – những người yêu cầu tất cả quân đội Mỹ rời khỏi đất nước. Sự thay đổi nhiệm vụ này của quân đội Mỹ có thể được coi là một lợi ích chính trị cho Thủ tướng al-Kadhimi trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10.

Với thỏa thuận trên cùng với với quyết định rút toàn bộ lực lượng Mỹ ở Afghanistan vào cuối tháng 8, Mỹ sẽ chấm dứt hai cuộc chiến kéo dài nhiều năm tại khu vực này.


Huệ Bình

Chia sẻ