“Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách sớm nhất có thể” – Bộ trưởng Vương khẳng định, trước khi ra “điều kiện cần thiết” để 2 nước hợp tác.

Theo ông Vương, Washington cần tôn trọng những lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh, ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh như Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng.

Bên cạnh đó, ông Vương còn kêu gọi Mỹ gỡ bỏ thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc và từ bỏ điều ông gọi là “sự đàn áp phi lý” đối với lĩnh vực công nghệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu Mỹ xé bỏ những chính sách “phi lý” để đưa quan hệ Bắc Kinh-Washington trở lại hướng đi đúng đắn. Ảnh: Reuters

Theo ông Wang Huiyao, cố vấn của Nội các Trung Quốc, bài phát biểu của Bộ trưởng Vương là “một nhành ô liu” hướng đến chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Dù vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cùng ngày khẳng định: “Những bình luận của Bộ trưởng Vương phản ánh xu hướng tiếp diễn của Bắc Kinh về việc tìm cách đổ lỗi cho những hành vi kinh tế săn mồi, thiếu minh bạch, không tôn trọng thỏa thuận quốc tế và đàn áp nhân quyền”.

Trong một buổi họp báo riêng biệt, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh Washington xem mối quan hệ với Bắc Kinh là một trong những mối quan hệ “cạnh tranh khốc liệt”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cáo buộc Bắc Kinh tìm cách đổ lỗi cho những hành động của mình. Ảnh: Reuters

Quan hệ Washington-Bắc Kinh đã rơi xuống mức thấp kỷ lục dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump khi 2 phía mâu thuẫn về hàng loạt vấn đề, từ thương mại, công nghệ, Covid-19 đến Đài Loan và biển Đông.

Tuy nhiên, liên lạc giữa 2 bên đã được nối lại kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền vào tháng rồi. Trong cuộc điện đàm hôm 11-2 với ông chủ Nhà Trắng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện mong muốn tái thiết lập đối thoại và hợp tác.

Bộ trưởng Vương nhấn mạnh 2 phía cần hành động theo tinh thần của cuộc điện đàm và đối thoại cởi mở ở mọi cấp độ.

“Trong những năm qua, Mỹ về cơ bản đã cắt đứt đối thoại song phương ở mọi cấp độ” – ông Vương nói, đồng thời hối thúc Washington phá vỡ điều ông mô tả là “những bức tường nhận thức sai lầm” để đưa quan hệ 2 nước trở lại lộ trình đúng đắn.

Tổng thống Joe Biden nhiều khả năng duy trì hướng tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Về phần mình, Tổng thống Biden đã phát tín hiệu cho thấy ông sẽ duy trì sức ép lên Bắc Kinh. Ông chủ Nhà Trắng đã thể hiện sự quan ngại với hành vi thương mại “dọa nạt và thiếu công bằng” của Trung Quốc.

Theo Reuters, đối phó Bắc Kinh là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tìm được tiếng nói chung tại Quốc hội.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 22-2 kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden cân nhắc “hậu quả nghiêm khắc” dành cho Bắc Kinh liên quan đến điều bà mô tả là “đàn áp nhân quyền” ở Hồng Kông.

“Chúng ta phải xem xét mọi biện pháp để buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm” – bà Pelosi nhấn mạnh.


Cao Lực

Chia sẻ