Thông báo ngày 19-11 của Bộ Quốc phòng Mỹ không nêu chi tiết hợp đồng song Reuters tiết lộ 3 hợp đồng riêng biệt nêu trên có tổng giá trị khoảng 60 triệu USD, với mục đích nghiên cứu tên lửa đánh chặn giai đoạn lượn (GPI) – tức sử dụng một nhóm vệ tinh và cảm biến dẫn đường để đánh chặn tên lửa siêu thanh trong khí quyển trái đất, vào giai đoạn nó lượn về phía mục tiêu.

Theo kênh Fox News, công nghệ GPI này sẽ được tích hợp vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis hiện tại của Lầu Năm Góc.

Ống phóng tên lửa của Lockheed Martin Ảnh: REUTERS

Mỹ và các đối thủ, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, đang đẩy mạnh chế tạo vũ khí siêu thanh – thế hệ vũ khí tiếp theo có tốc độ nhanh hơn âm thanh.

Hồi tháng 8 vừa qua, theo báo Financial Times, Trung Quốc đã thử tên lửa siêu thanh nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, dẫn đến lo ngại tên lửa loại này né được các hệ thống phòng thủ truyền thống. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu chung của Mỹ, xác nhận vụ thử nghiệm trên vào tháng 10 và mô tả là “rất đáng lo ngại”.

Trước khi có thông báo nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) sẽ chọn 2 công ty. Việc chọn thêm công ty thứ ba đã chứng tỏ tham vọng của Lầu Năm Góc.

“Nhiều bên tham gia sẽ giúp chúng tôi khám phá được nhiều ý tưởng và đạt được GPI hiệu quả và đáng tin cậy nhất cho hệ thống phòng thủ siêu thanh khu vực trong thời gian sớm nhất” – Chuẩn đô đốc Tom Druggan, thuộc MDA, đánh giá.

Về phần mình, ông Tay Fitzgerald, phó chủ tịch chuyên về phòng thủ tên lửa chiến lược của Raytheon, tự tin nói với Fox News: “Với tốc độ nhanh, khả năng chịu nhiệt cực cao và linh hoạt, tên lửa đánh chặn của Raytheon sẽ là tên lửa đầu tiên đương đầu với mối đe dọa siêu thanh”.


Hải Ngọc

Chia sẻ