Theo đài RT, bình luận trên được Tổng thống Biden đưa ra tại một sự kiện ở Nhà Trắng và ông không giải thích thêm.

Ba Lan đã yêu cầu Washington duy trì hiện diện quân sự thường trực ở quốc gia của họ. Tuy nhiên, về cơ bản, điều này sẽ vi phạm một hiệp ước giữa Nga và NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).

Trong sự kiện nêu trên, phóng viên Marek Walkuski của đài Polish Radio (Ba Lan) đã đặt câu hỏi về binh sĩ Mỹ ở Ba Lan trong lúc Tổng thống Biden rời phòng phía Đông của Nhà Trắng.

“Binh sĩ Mỹ sẽ ở đó trong một quãng thời gian dài” – ông chủ Nhà Trắng đáp.

Tổng thống Joe Biden khẳng định binh sĩ Mỹ đang đóng quân tạm thời ở Ba Lan sẽ hiện diện ở đó “trong một quãng thời gian dài”. Ảnh: Reuters

Hiện chưa rõ có bao nhiêu binh sĩ Mỹ hiện diện ở Ba Lan, trung tâm hậu cần quan trọng được NATO sử dụng để hỗ trợ chính phủ Ukraine.

Vào tháng 5, đại sứ Mỹ ở Warsaw tiết lộ hơn 12.600 quân nhân Mỹ đang đồn trú tại Ba Lan, con số lớn nhất lịch sử.

Warsaw hồi tháng 9 đã kêu gọi NATO tăng cường hiện diện quân sự ở Ba Lan và các nước Baltic để phán ứng với lệnh động viên một phần của Nga.

Cố vấn chính sách đối ngoại Jakub Kumoch của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duba tháng rồi khẳng định Washington nên duy trì hiện diện quân sự thường trực ở Ba Lan và thậm chí là triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan.

Xung đột vũ trang Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 và vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Ảnh: Reuters

Thừa nhận động thái này sẽ vi phạm trực tiếp Hiệp ước Founding Act (1997) giữa NATO và Nga nhưng ông Kumoch khẳng định hiệp ước này về cơ bản đã “chết” và “không còn giá trị” khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.

Ở một diễn biến khác, Nga ngày 2-11 không thể thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) tiến hành một cuộc điều tra chính thức nhằm vào Mỹ và Ukraine với cáo buộc triển khai chương trình vũ khí sinh học ở Ukraine. Washington và Kiev đã bác cáo buộc này, gọi đây là thuyết ấm mưu của Moscow.

Theo Reuters, chỉ có Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ Nga về dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ đối với cuộc điều tra nói trên. Mỹ, Anh và Pháp bỏ phiếu chống, trong khi 10 thành viên còn lại để phiếu trắng.


Cao Lực