Tờ Washington Post hôm 26-7 cho biết ngân sách ước tính này là một phần trong bản ghi nhớ về một loạt các giải pháp của Tổng thống Joe Biden. Nhà Trắng và Bộ Y tế Mỹ hiện chưa bình luận về thông tin trên.

Thông tin được đưa ra vài ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Gần 70 quốc gia ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, với hơn 17.800 ca được xác nhận. Mỹ hôm 26-7 ghi nhận 3.487 ca bệnh đậu mùa khỉ.

Nhân viên y tế chuẩn bị vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ tại một phòng khám ở Chicago. Ảnh: Reuters

Trong diễn biến liên quan, các quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết nước này đã phát hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở một phụ nữ mang thai. Em bé đã được sinh ra một cách an toàn và sức khoẻ của cả hai mẹ con đều “tốt”.

TS John Brooks thuộc CDC cho biết đứa trẻ dường như không bị lây bệnh từ mẹ trong thời kỳ mang thai. Các quan chức CDC cho biết đứa bé đã được truyền globulin miễn dịch, một phương pháp điều trị bằng kháng thể mà cơ quan này được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép triển khai trong thời kỳ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ.

Tuy nhiên, hiện cả thuốc và vắc-xin đều chưa được thử nghiệm cụ thể ở người mang thai. CDC khuyến cáo những phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú nên ưu tiên điều trị y tế nếu cần trong trường hợp mắc bệnh. Theo CBS News, đợt bùng phát hiện tại không có trường hợp tử vong nào ở Mỹ dù có những ca được ghi nhận có triệu chứng phát ban và tổn thương kéo dài nhiều tuần.

Tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ đang trên đà tăng nhanh và sẽ sớm vượt qua số ca mắc ở Tây Ban Nha. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26-7 cho rằng Tây Ban Nha có nhiều trường hợp mắc bệnh nhất so với bất kỳ quốc gia nào, với 3.596 trường hợp được ghi nhận.


Xuân Mai