Một phân tích tính toán của các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 cho thấy rằng để giảm thiểu số ca nhiễm trong một cộng đồng thì số lượng xét nghiệm quan trọng hơn độ nhạy của các xét nghiệm được sử dụng.

Các chuyên gia Philip Cherian và Gautam Menon thuộc Trường ĐH Ashoka ở Sonipat (Ấn Độ) và Sandeep Krishna thuộc Trung tâm Khoa học Sinh học Quốc gia TIFR, Bangalore (Ấn Độ) đã trình bày phát hiện nói trên của họ trên tạp chí khoa học PLOS Computational Biology.

Một số bang ở Ấn Độ sử dụng kết hợp hai hình thức xét nghiệm chính đối với Covid-19 là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR) rất nhạy và xét nghiệm kháng nguyên nhanh ít nhạy hơn. Xét nghiệm RT-PCR nhạy hơn xét nghiệm kháng nguyên nhanh nhưng chi phí lại đắt hơn và không cung cấp kết quả ngay lập tức.

Người dân Thái Lan mua thuốc và bộ kit tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà. Ảnh: Bangkok Post

Phân tích cho thấy rằng chỉ sử dụng hình thức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cũng có thể đạt được kết quả tương tự về tổng số ca nhiễm như sử dụng hình thức xét nghiệm RT-PCR miễn là số lượng người được xét nghiệm đủ cao. Điều này cho thấy các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể đạt được kết quả tối ưu khi tăng cường xét nghiệm bằng các hình thức xét nghiệm ít nhạy hơn nhưng mang lại kết quả tức thì thay vì tập trung vào RT-PCR.

Các tác giả nghiên cứu cũng cho rằng chính phủ các nước cần tiếp tục tìm hiểu về sự kết hợp giữa các phương pháp xét nghiệm để vừa hiệu quả vừa kinh tế.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa công bố sẽ rút đề nghị Cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với bộ kit xét nghiệm RT-PCR sau ngày 31-12-2021. CDC thông báo trên trang web hôm 21-7: “CDC thông báo sớm để các phòng xét nghiệm có đủ thời gian lựa chọn và thay thế bằng một trong nhiều phương pháp xét nghiệm đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn”.

CDC hối thúc các phòng xét nghiệm tích trữ bộ kit xét nghiệm có thể phát hiện và phân biệt virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 với các virus gây bệnh cúm trong bối cảnh mùa cúm đang đến gần. CDC khuyến khích các phòng thí nghiệm cân nhắc sử dụng phương pháp xét nghiệm cùng lúc nhiều đột biến nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn lực.

Tại Thái Lan, trước tình trạng quá tải tại các điểm xét nghiệm, các quan chức nước này đã phê duyệt sử dụng các bộ kit xét nghiệm kháng nguyên trong bệnh viện và các đơn vị sàng lọc di động.

Đến ngày 16-7 vừa qua, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Thái Lan đã bật đèn xanh cho việc bán các bộ kit xét nghiệm kháng nguyên không kê đơn để sử dụng tại nhà nhằm giảm thiểu tình trạng xếp hàng đợi xét nghiệm RT-PCR. Theo tờ Bangkok Post, việc tự kiểm tra sẽ cho phép người dân biết được tình trạng của mình và được điều trị sớm.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động một chuyên gia dịch tễ cho biết CDC Hoa Kỳ đã xây dựng 2 quy trình và cả hai đều được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) phê chuẩn. Quy trình thứ 1 là tháng 2-2020 là single plex (phát hiện chỉ SARS-CoV-2) 4. Quy trình thứ 2 là tháng 7-2020 là multiplex plex (phát hiện đồng thời SARS-CoV2, cúm A và B. Sau một thời gian áp dụng cả hai quy trình trên, CDC quyết định ngừng đăng ký cấp phép cho quy trình single plex, do quy trình Multiplex phát hiện được cả 3 tác nhân SARS-CoV-2, Cúm A và B cùng 1 lúc. Như vậy có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục xét nghiệm cả cúm và SARS-CoV-2 và có thể tiết kiệm cả thời gian và nguồn lực khi chúng ta bước vào mùa cúm.

Trong khi đó, một chuyên gia xét nghiệm tại Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR là một phương pháp xét nghiệm xác định sự hiện diện của virut thông qua phát hiện vật liệu di truyền của virut SARS-CoV-2, đây là phương pháp có độ chính xác cao. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi các hệ thống máy chuyên dụng và thực hiện tại phòng thí nghiệm. Xét nghiệm realtime RT-PCR có thể cho ra kết quả định lượng nồng độ virut tại thời điểm xét nghiệm. Kết quả có thể giúp bác sĩ tiên lượng tiến triển bệnh, cũng như đánh giá được hiệu quả điều trị.

Tuy nhiên, với quan điểm của CDC Hoa Kỳ chuyên gia này cho rằng có thể vì sử dụng phương pháp này cần xây dựng phòng xét nghiệm quy chuẩn, mức độ an toàn cao, thiết bị đắt đỏ hơn, trong khi có thể sử dụng phương pháp khác để xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 với giá thành rẻ hơn.

Với bối cảnh hiện nay ở Việt Nam các chuyên gia cho rằng vẫn phải tiếp tục sử dụng test nhanh kháng nguyên trong phát hiện ca bệnh. Đây là xét nghiệm chẩn đoán nhanh giúp phát hiện sự hiện diện protein đặc hiệu của virus (hay còn gọi là kháng nguyên) Covid-19 có trong mẫu dịch đường hô hấp của người bệnh (dịch tỵ hầu, dịch tiết đường hô hấp).

Các kháng nguyên sẽ được phát hiện khi virus SARS-CoV-2 đang nhân lên với số lượng nhất định. Đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, có kết quả chỉ sau 15-30 phút, cho phép nhanh chóng phát hiện người nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, test nhanh kháng nguyên có độ nhạy thấp hơn phương pháp realtime RT-PCR, một số trường hợp cho kết quả âm tính dương tính giả nên cần xét nghiệm khẳng định bằng realtime RT-PCR.


Xuân Mai – Ngọc Dung

Chia sẻ