Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31-3 đề xuất gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hơn 2 ngàn tỉ USD, đầu tư vào vận tải và năng lượng, sản xuất, internet và các lĩnh vực khác của Mỹ. Kế hoạch của ông Biden sẽ khiến Mỹ tăng sức cạnh tranh khi đối mặt với chiến dịch xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bởi lẽ ngày nay cạnh tranh với Trung Quốc chủ yếu là về lợi ích kinh tế và công nghệ hơn là vũ khí, và kết quả sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tài chính và ảnh hưởng của Mỹ, khả năng bảo vệ các liên minh an ninh cùng với lợi ích của Mỹ ở nước ngoài, cũng như cuộc sống hàng ngày của người Mỹ.

Ông Biden từng nói trước khi đưa ra đề xuất vào tuần trước, Trung Quốc có “mục tiêu tổng thể là trở thành quốc gia hàng đầu thế giới, quốc gia giàu có nhất thế giới và quốc gia quyền lực nhất thế giới”. Tuy nhiên, ông Biden nhấn mạnh “điều đó sẽ không xảy ra bởi vì Mỹ sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng”.

Tổng thống Joe Biden nói chuyện với các phóng viên vào ngày 5-4 ở Washington. Ảnh: AP

Kế hoạch cơ sở hạ tầng hơn 2.000 tỉ USD của ông Biden vấp phải sự phản đối từ đảng Cộng hòa. Họ nói rằng đề xuất của ông Biden chỉ có các dự án chi tiêu không cần thiết và việc tăng thuế để lấy tiền đầu tư cuối cùng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết đảng Cộng hòa có thể ủng hộ một cách tiếp cận “khiêm tốn hơn nhiều”, một cách tiếp cận không dựa vào việc tăng thuế doanh nghiệp.

Theo hãng tin AP, người Mỹ đang gặp phải tình trạng mất điện, hệ thống vận tải chậm trễ và lưới  điện có từ những năm 1960 trở về trước. Đơn cử, Min Ye, nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Boston, cho biết: “Hầu như ngày nào cũng có những nhà cung cấp dịch vụ thông báo” mất điện, mất mạng Internet và cô chưa thấy có sự nâng cấp nào thực sự lớn đối với mạng lưới đường bộ ở TP Boston trong 20 năm qua.

Một số nhà kinh tế học khẳng định những giờ bị chậm trễ ở đường hàng không, đường bộ và đường sắt đã làm mất đi hàng tỉ USD năng suất. Internet rất đắt so với chi phí của các nền kinh tế lớn khác, khiến không ít công nhân và học sinh Mỹ ngồi trong bãi đậu xe bán thức ăn nhanh để làm việc trực tuyến khi đại dịch Covid-19 đóng cửa các văn phòng và trường học.

Khu trung tâm thương mại ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Hãng tin AP dẫn kết quả một nghiên cứu được thực hiện cho Nhóm 20 quốc gia giàu có và đang phát triển ước tính chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tính theo tỉ lệ phần trăm sản xuất trong nước đang trên đà phát triển gấp hơn 3 lần so với Mỹ.

Về phía Trung Quốc, kế hoạch 5 năm mới nhất của nước này kêu gọi xây dựng thêm hàng trăm sân bay, nhà máy nhiệt điện than và các dự án cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn khác. Ông Tập cũng đang kêu gọi toàn dân tập trung vào “cơ sở hạ tầng mới”, bao gồm đầu tư vào mạng 5G và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khác.

Chuyên gia Jonathan Hillman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước khác so với Mỹ chi tiêu ở quê nhà. Điều đó và sự bùng nổ kinh tế kéo dài của Trung Quốc (một phần được thúc đẩy bởi chi tiêu cơ sở hạ tầng trong nước) đang giúp Trung Quốc trở nên có ảnh hưởng hơn trên trường quốc tế.

Ông Biden lặp đi lặp lại rằng Trung Quốc và các quốc gia khác đang “ăn bữa trưa của chúng tôi”.

Tuy nhiên, ông Ryan Hass, cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) phụ trách vấn đề Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Mông Cổ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng không nên phóng đại quá mức về mối đe dọa về sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra cho Mỹ. Theo ông Hass, Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề của riêng mình như nợ nần, dân số già và tốc độ tăng năng suất của công nhân đang chậm lại.


Huệ Bình

Chia sẻ