Sự phân cực chính trị đang gia tăng ở Brazil sẽ là một thách thức đối với Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva sau khi chiến thắng sít sao trước người tiền nhiệm Jair Bolsonaro trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 10-2022.

Nhà quản lý danh mục đầu tư Samy Muaddi tại Công ty Quản lý đầu tư T. Rowe Price (Mỹ) nhận định hành động xâm chiếm và phá hoại của những người ủng hộ cựu Tổng thống Bolsonaro tại quốc hội, dinh tổng thống và tòa án tối cao ở Brasilia hôm 8-1 khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Trong khi đó, ông Alberto Ramos, nhà kinh tế trưởng về Mỹ Latin tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), cho rằng các chủ nợ sẽ để mắt đến động lực chính trị và xã hội ở Brazil trong những tuần tới.

Ông Ramos nói với hãng tin Reuters: “Các cuộc biểu tình bạo lực chứng tỏ sự phân cực sâu sắc về xã hội và chính trị trước và sau cuộc bầu cử. Môi trường chính trị bất ổn và chia rẽ sâu sắc cùng với căng thẳng xã hội khiến phí bảo hiểm rủi ro tăng cao và có thể làm suy yếu khả năng quản lý tổng thể”.

Những người biểu tình ủng hộ chính phủ của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva hôm 9-1 Ảnh: REUTERS

Theo báo cáo của Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia (Mỹ), căng thẳng xã hội có thể khiến chính phủ ông Lula da Silva mất đi sự ủng hộ của người dân trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn.

Ông Jared Lou, quản lý danh mục đầu tư tại Công ty Dịch vụ tài chính William Blair Investment Management (Mỹ), đánh giá: “Tăng trưởng kinh tế chậm lại, chính sách tiền tệ bị siết chặt, tỉ lệ thất nghiệp cao và cán cân tài chính yếu sẽ khiến chính phủ mới không có nhiều lựa chọn chính sách trong các quý tới”.

Tuy nhiên, ông Muaddi cho rằng đây có thể chỉ là cú sốc tạm thời và đường lối chính sách kinh tế dưới thời ông Lula da Silva cũng như các điều kiện tài chính toàn cầu rộng lớn hơn sẽ quyết định kết quả đầu tư.

Trong khi đó, hôm 9-1, ông Bolsonaro đã nhập viện ở TP Orlando thuộc bang Florida – Mỹ với những cơn đau ruột liên quan đến vết dao đâm trong chiến dịch tranh cử năm 2018. Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN, ông Bolsonaro cho biết dự định ở lại Mỹ đến cuối tháng 1 nhưng hiện có kế hoạch quay lại Brazil sớm hơn để gặp bác sĩ từng điều trị cho ông.

Tại Brazil, nhiều người đang biểu tình với khẩu hiệu “không ân xá”, kêu gọi trừng phạt những người ủng hộ cựu Tổng thống Bolsonaro và những người đã kích động bạo lực hôm 8-1.

Theo hãng tin AP, cảnh sát Brazil bắt giữ khoảng 1.500 kẻ bạo loạn và cho biết có kế hoạch truy tố ít nhất 1.000 người liên quan. Bộ trưởng Tư pháp Flávio Dino tuyên bố sẽ truy tố cả những người đứng sau tập hợp và tài trợ cho hoạt động đi lại của nhóm này.

Cuộc bạo loạn tại Brazil xảy ra vào thời điểm bất ổn chính trị gia tăng ở Mỹ Latin. Ít nhất 17 người đã thiệt mạng và 68 người bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát ở miền Nam Peru giữa lúc các cuộc biểu tình đòi bầu cử sớm và trả tự do cho cựu Tổng thống Pedro Castillo vẫn tiếp diễn. Những người biểu tình cũng yêu cầu tân Tổng thống Dina Boluarte từ chức, đóng cửa quốc hội và thay đổi hiến pháp.

Trong diễn biến liên quan, Peru hôm 9-1 đã cấm cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales, người công khai ủng hộ ông Castillo, nhập cảnh. Ngay sau khi lệnh cấm nhập cảnh được công bố, Thủ tướng Peru Alberto Otarola đã đổ lỗi cho ông Morales gây ra tình trạng bất ổn.

Theo Reuters, Bộ Nội vụ Peru thông báo một số công dân Bolivia đã nhập cảnh vào nước này trong những tháng gần đây để thực hiện các hoạt động chính trị, vi phạm luật nhập cư đồng thời phá hoại an ninh quốc gia. 


XUÂN MAI