Theo Bloomberg, một phái đoàn Mỹ do Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Elizabeth Rosenberg dẫn đầu đã tới Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19-10. Mục đích của chuyến thăm được nhận định để hối thúc chính quyền và các tập đoàn Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga. 

Nguồn tin cho biết phái đoàn Mỹ đã làm việc với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ và đại diện các tập đoàn ở Ankara và Istanbul. Ngoài ra, bà Rosenberg cũng có cuộc thảo luận riêng với các quan chức Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Rosenberg từng làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Obama và đã soạn thảo các lệnh trừng phạt đối với Iran, Libya và Syria.

Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận chính thức nào về chuyến đi của bà Rosenberg nhưng họ đã nhiều lần bày tỏ không hài lòng với việc Thổ Nhĩ Kỳ “dửng dưng” trong việc trừng phạt Nga. Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ quan điểm trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine, dù họ là quốc gia thành viên NATO.

Trong bối cảnh đó, xuất hiện một số báo cáo nói rằng Mỹ và EU đang xem xét triển khai một số “biện pháp tiêu cực” đối với kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Yunus Elitas hồi tháng 8 đã đảm bảo với Washington rằng “sẽ không cho phép bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây”.

Tuy nhiên, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn thể hiện quan điểm thúc đẩy quan hệ ngoại giao ngày càng nồng ấm với Nga. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tất cả 4 lần trong bốn tháng qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt tay trong cuộc gặp tại Astana, Kazakhstan, ngày 13-10. Ảnh AP

Thậm chí, trong cuộc họp ở Kazakhstan hôm 13-10, Tổng thống Erdogan đã đồng ý với đề xuất của ông Putin về việc thành lập một trung tâm trung chuyển khí đốt quốc tế ở Thổ Nhĩ Kỳ – theo đài RT.

Cùng đó, Tổng thống Erdogan cũng cố gắng tận dụng mối quan hệ của mình với cả Moscow lẫn Kiev để làm trung gian hòa giải giữa hai bên.

Mặc dù các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức tại Istanbul hồi đầu năm không mang lại kết quả nhưng ông Erdogan nhận được nhiều lời khen ngợi vì cùng với Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Thỏa thuận cho phép ngũ cốc Ukraine rời các cảng trên biển Đen được ký ngày 22-7 và có hiệu lực trong vòng 120 ngày. Thỏa thuận nhằm giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu này sẽ hết hạn vào tháng 11 tới nhưng đang bị đe doạ không được tiếp tục gia hạn.

Phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy. Ảnh: Anadolu Agency

Phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy hôm 19-10 cho biết ông “không lạc quan” về việc gia hạn thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc đứng ra làm trung gian.

”Nó phụ thuộc vào những gì chúng tôi nhận được từ thỏa thuận này. Cho đến nay, chúng tôi nhận được rất ít. Giai đoạn này chúng tôi không mấy lạc quan việc nó sẽ tiếp tục được gia hạn” – ông Dmitry Polyanskiy nói với Anadolu Agency.


Bằng Hưng