Đó là cam kết của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước điệp khúc lo ngại từ nhiều công ty và một số quan chức Mỹ. Trước đó, hôm 5-5, ông Biden tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19, chia sẻ công thức bào chế, giúp các nước sản xuất vắc-xin chống dịch bệnh.

Trong một tài liệu hỏi đáp do chính quyền Mỹ soạn thảo và chia sẻ với các công ty dược, Washington thừa nhận lo ngại việc chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ có thể gây tổn hại đến lợi thế cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.

Tương tự, không ít công ty và quan chức Mỹ lo rằng hành động chia sẻ bản quyền vắc-xin sẽ làm Mỹ mất đi lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực dược phẩm sinh học và giúp Trung Quốc đạt bước nhảy vọt hàng chục năm nghiên cứu.

Người đàn ông tiêm vắc-xin tại một trung tâm tiêm chủng ở Karachi, Pakistan, cuối tháng 4. Ảnh: Reuters

Reuters dẫn tài liệu của một đại diện ngành dược phẩm cho biết chính quyền Tổng thống Biden tin rằng có thể giải quyết những lo ngại trên thông qua đàm phán tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, tài liệu không nói rõ cách thức.

Đại diện ngành dược tiết lộ rằng một số cơ quan Mỹ thậm chí đang mâu thuẫn trong cách giải quyết vấn đề này.

Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gary Locke nói: “Hãng dược Pfizer và Moderna mất nhiều năm để nghiên cứu và phát triển những vắc-xin này. Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và các nước khác muốn tiếp cận. Ý định của họ là lấy được bí quyết cơ bản để có thể sử dụng phát triển các loại vắc-xin khác”.

Các hãng dược phương Tây phản đối mạnh mẽ việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ vắc xin Covid-19. Ảnh: Reuters

Các hãng dược phương Tây phản đối mạnh mẽ việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ vắc xin Covid-19 vì cho rằng các nước nghèo sẽ chậm trễ trong việc thiết lập dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh nguồn nguyên liệu thô vốn đã khan hiếm sẽ gây ảnh hưởng đến việc sản xuất.

Giám đốc điều hành Hãng Pfizer, ông Albert Bourla, cho rằng việc chia sẻ bản quyền vắc-xin sẽ làm gián đoạn tiến độ đạt được cho đến nay trong việc thúc đẩy nguồn cung cấp vắc-xin. Ông Albert Bourla lo ngại sẽ khởi động một cuộc chạy đua toàn cầu về nguồn nguyên liệu thô và đe dọa sự an toàn và hiệu quả trong sản xuất vắc-xin Covid-19.

Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ nói rằng trong khi việc cứu người là ưu tiên, Mỹ muốn kiểm tra tác động của việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc-xin đối với Trung Quốc và Nga trước để đảm bảo việc chia sẻ được thực hiện đúng mục đích.

Công ty Fosun Pharma của Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với hãng dược BioNTech (Đức) về việc phát triển vắc-xin ngừa Covid-19. Reuters cho rằng thỏa thuận này có khả năng giúp công ty Trung Quốc tiếp cận với một số công nghệ trong lúc nước này đặt nhiều kỳ vọng vào ngành công nghiệp dược phẩm và đang phát triển vắc-xin mRNA.


Huệ Bình

Chia sẻ