Bà Mạnh đã đạt được thỏa thuận với các công tố viên hồi năm ngoái về việc huỷ bỏ các cáo buộc chống lại bà vào ngày 1-12-2022, 4 năm kể từ ngày bà bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Mỹ.

Do không có thông tin về việc bà Mạnh vi phạm thỏa thuận, bà Carolyn Pokomy, công tố viên tại Brooklyn, đã viết thư cho Thẩm phán Ann Donelly, đề nghị “hủy bỏ bản cáo trạng thứ 3” trong vụ án đối với bà Mạnh.

Tuy nhiên, Huawei vẫn bị cáo buộc một số tội danh trong vụ án đang chờ xét xử tại tòa án quận ở Brooklyn, New York. Ngày xét xử vẫn chưa được ấn định.

Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu về nước hồi năm ngoái. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo hãng tin Reuters, dù diễn biến hôm 1-12 được dự báo trước nhưng cũng giúp khép lại một giai đoạn trong mối quan hệ đặc biệt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đã kéo Canada vào cuộc tranh cãi giữa hai nước. Bà Mạnh bị cáo buộc gian lận ngân hàng và các tội danh khác vì “qua mặt” Ngân hàng HSBC để giao dịch với Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. 

trung quoc

Như một phần trong thỏa thuận không truy tố, bà Mạnh thừa nhận đã có các phát ngôn không đúng về việc kinh doanh tại Iran trong cuộc họp năm 2013 với một lãnh đạo ngân hàng. Trong khi đó, các cáo cuộc chống lại Huawei gồm gian lận ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt, âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty công nghệ Mỹ, cản trở luật pháp. Tuy nhiên, Huawei phủ nhận các tội danh nói trên.

Với những cáo buộc nói trên, Huawei bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ, cấm doanh nghiệp Mỹ làm ăn với công ty Trung Quốc này. Mỹ còn phát động chiến dịch toàn cầu chống lại Huawei, cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị của Huawei để nghe lén. Trong tuần này, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ ra lệnh cấm các thiết bị viễn thông mới từ Huawei.

Bà Mạnh hiện là chủ tịch luân phiên Huawei, kiêm giám đốc tài chính. Luật sư của bà Mạnh đã từ chối bình luận và người phát ngôn của Huawei cũng không đưa ra tuyên bố nào về diễn biến hôm 1-12.


Xuân Mai