Trung tâm của mạng lưới này là Serniya Engineering, công ty có trụ sở tại Moscow mà chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng đang hoạt động dưới sự chỉ đạo của tình báo Nga.

Từ đó, một mạng lưới công ty mở rộng ra bên ngoài gồm các công ty mua sắm quốc phòng, người trung gian và những công ty bình phong đặt tại Anh, Tây Ban Nha, Phần Lan, Singapore, Malta và Pháp.

Theo trang web của Bộ Tài chính Mỹ, các biện pháp trừng phạt mới công bố sẽ ảnh hưởng đến 21 tổ chức và 13 cá nhân. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết Mỹ sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt từ mọi góc độ cho đến khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine kết thúc.

Đoàn xe bọc thép của quân đội thân Nga gần Dokuchaievsk ở vùng Donetsk – Ukraine hôm 25-3. Ảnh: Reuters

Mỹ trước đó đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Nga kể từ khi chiến dịch quân sự ở Ukraine diễn ra vào cuối tháng 2. Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Úc, Canada, New Zealand, Anh và Hàn Quốc cũng lần lượt áp đặt những hạn chế và lệnh cấm xuất khẩu tương tự.

Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 4 công ty công nghệ cung cấp vi điện tử, thiết bị định vị và phần mềm chụp ảnh vệ tinh cho quân đội Nga. Một trong số đó là Mikron, nhà sản xuất chip lớn nhất của Nga.

Công ty này chịu trách nhiệm về các chip thẻ ghi nợ trong hệ thống thanh toán nội địa của Nga – Mir – vốn được phát triển để phản ứng trước các lệnh trừng phạt trước đây của phương Tây.

Theo đài CNBC, Mỹ cũng xác định 3 lĩnh vực khác của nền kinh tế Nga gồm hàng không vũ trụ, hàng hải và điện tử là mục tiêu tiềm năng của các lệnh trừng phạt do tầm quan trọng chiến lược đối với những cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.

Trong khi đó, Nga hôm 31-3 cho biết đã mở rộng đáng kể “danh sách đen” về số lượng các quan chức Liên minh châu Âu (EU), nhà lập pháp, nhân vật của công chúng và nhà báo phương Tây với cáo buộc liên quan đến việc ban hành lệnh trừng phạt và kích động phong trào chống Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Các hạn chế áp dụng đối với lãnh đạo cao nhất của Liên minh châu Âu, bao gồm một số ủy viên châu Âu và người đứng đầu các cơ sở quân sự EU, cũng như đại đa số thành viên của Nghị viện châu Âu, những người thúc đẩy các chính sách chống Nga”.


Xuân Mai