Nỗ lực hỗ trợ các ngân hàng gặp khó ở Mỹ đang được đẩy mạnh với hy vọng trấn an thế giới rằng hệ thống tài chính nước này vẫn ổn định sau vụ 2 ngân hàng Silicon Valley (SVB), Signature (SB) sụp đổ vào tuần rồi.

Theo tờ The New York Times, 11 trong số các ngân hàng lớn nhất Mỹ hôm 16-3 cam kết bơm tổng cộng 30 tỉ USD vào Ngân hàng First Republic (FRB) trong động thái bày tỏ sự ủng hộ dành cho ngân hàng có trụ sở ở TP San Francisco, bang California này.

Trong đó, 4 cái tên JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo và Citigroup sẽ gửi 5 tỉ USD mỗi ngân hàng, Goldman Sachs và Morgan Stanley gửi 2,5 tỉ USD mỗi ngân hàng và 5 ngân hàng còn lại gửi 1 tỉ USD.

Động thái ít thấy nói trên diễn ra theo sau cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase.

Ý tưởng giúp đỡ FRB cũng được bà Yellen trao đổi với các lãnh đạo ngân hàng và một số quan chức khác, trong đó có Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell, Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) Martin Gruenberg…

 Bà Yellen tin rằng việc lĩnh vực tư nhân ra tay “giải cứu” FRB sẽ giúp nêu bật niềm tin vào sức khỏe của hệ thống ngân hàng và ngăn hoảng loạn lan rộng. Ngay sau khi SVB và SB bị đóng cửa, đã xuất hiện nỗi lo FRB có thể là cái tên tiếp theo chịu chung số phận.

Một chi nhánh của Ngân hàng First Republic tại TP New York – Mỹ hôm 13-3. Ảnh: REUTERS

Việc bơm tiền mặt có thể giúp giải quyết những vấn đề tức thì của FRB (giá cổ phiếu giảm và làn sóng rút tiền gửi ồ ạt…) nhưng những thách thức từ môi trường kinh doanh khó khăn hơn vẫn còn đó, nổi bật là lãi suất cao.

Giới đầu tư không khỏi lo lắng trước thông tin mới nhất về tình hình tiền mặt của FRB (còn khoảng 34 tỉ USD tính đến ngày 15-3, không tính 30 tỉ USD tiền gửi mới của các ngân hàng) cũng như mức độ giúp đỡ của FED dành cho các ngân hàng gặp khó ở Mỹ thời gian qua.

Trang Bloomberg dẫn thông tin từ FED cho biết các ngân hàng đã vay tổng cộng 164,8 tỉ USD thông qua 2 công cụ hỗ trợ của cơ quan này trong tuần lễ khép lại hôm 15-3. Cụ thể, khoảng 152,85 tỉ USD được vay từ “cửa sổ chiết khấu” (công cụ nhằm giúp ngân hàng thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn).

Đây là con số cao kỷ lục và nhiều hơn 4,58 tỉ USD so với tuần trước đó. Kỷ lục cũ là 111 tỉ USD, được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngoài ra, các ngân hàng còn vay 11,9 tỉ USD từ công cụ mới, gọi là Chương trình cấp vốn kỳ hạn ngân hàng (BTFP) vừa đi vào hoạt động hôm 12-3.

Một số nhà phân tích cho rằng những diễn biến trên cho thấy lĩnh vực ngân hàng vẫn còn không ít vấn đề và các biện pháp xử lý cho đến giờ là chưa đủ.

Ông Mathan Somasundaram, nhà sáng lập Công ty Nghiên cứu Deep Data Analytics (Úc), nói với Reuters rằng tiền sẽ được bơm vào FRB sẽ giúp ngân hàng này sống sót, cũng như ngăn làn sóng rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng khác. Sau đó, theo ông Somasundaram, số tiền này sẽ dần được rút dần khỏi FRB và ngân hàng này sẽ “chết từ từ”.

Nhà chức trách nhiều nước tìm cách nhấn mạnh rằng tình trạng hỗn loạn hiện nay khác với cuộc khủng hoảng tài chính 15 năm trước do các ngân hàng được vốn hóa tốt hơn và nguồn vốn dễ tiếp cận hơn.

Hôm 16-3, Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định tăng lãi suất cơ bản lên thêm 0,5 điểm % sau khi lập luận rằng các ngân hàng khu vực đồng euro vẫn “khỏe mạnh”. Dư luận giờ đây quan tâm liệu FED vào tuần tới có duy trì chính sách tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát hay không. 

Phản ứng nhanh

Nỗi lo về nguy cơ xảy ra khủng hoảng toàn cầu đã được xoa dịu sau khi một số ngân hàng gặp khó nhận hỗ trợ tại châu Âu và Mỹ. Thị trường chứng khoán khởi sắc ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Úc, Philippines… hôm 17-3 sau khi xuất hiện thông tin các ngân hàng lớn của Mỹ bơm 30 tỉ USD giải cứu Ngân hàng First Republic.

Cổ phiếu ngân hàng châu Á cũng ghi nhận xu hướng tăng, với chỉ số Tài chính MSCI châu Á – Thái Bình Dương có thời điểm tăng 0,4%, trang Bloomberg đưa tin. “Còn quá sớm để khẳng định chúng ta đã đảo ngược được một cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã phản ứng rất nhanh” – chuyên gia Alicia García-Herrero của Ngân hàng Natixis (Pháp) nói với đài Al Jazeera.

Nhận định về vụ việc, Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings (Mỹ) cho rằng những rủi ro trực tiếp được nói đến trong vụ sụp đổ 2 ngân hàng ở Mỹ là không đáng kể đối với những ngân hàng được họ xếp hạng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Những điểm yếu góp phần vào thất bại của SVB và SB nằm trong nhóm yếu tố được chúng tôi xem xét khi đánh giá về các ngân hàng ở châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các điểm yếu này thường được bù đắp bởi những yếu tố cấu trúc” – Fitch Ratings khẳng định, đồng thời cho biết mức độ rủi ro có xu hướng lớn nhất ở Ấn Độ và Nhật Bản, kể cả khi chính sách tiền tệ của FED có thay đổi sớm hơn dự kiến, như cắt giảm lãi suất cơ bản thay vì tăng, các ngân hàng trong khu vực vẫn sẽ không thấy nhiều tác động.

Cao Lực


Hoàng Phương