Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ đến Indonesia vào hôm nay (6-7) để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Hội nghị dự kiến diễn ra tại Bali trong ngày 7 và 8-7.

Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị nhưng sẽ không gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, theo Reuters.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, Ý ngày 31-10-2021. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích dự đoán Hội nghị G20 sẽ có nhiều tranh cãi. Washington và các đồng minh sẽ đổ lỗi cho Moscow về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine hôm 24-2. Đáp lại, Nga cũng sẽ đổ lỗi cuộc khủng hoảng gây ra bởi các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách kinh tế Ramin Toloui tiết lộ ông Blinken sẽ đưa ra các sáng kiến về an ninh năng lượng và cố gắng đưa thực phẩm và phân bón của Ukraine và Nga trở lại thị trường toàn cầu.

“Các nước G20 nên quy trách nhiệm cho Nga. Mỹ ủng hộ các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm mở lại các tuyến đường biển để vận chuyển ngũ cốc Ukraine. Cho dù điều đó được đưa ra tại Hội nghị G20 hay bên lề Hội nghị thì đó cũng là những điểm quan trọng mà Bộ trưởng Blinken sẽ đưa ra” – ông Ramin Toloui nhấn mạnh.

Ukraine, quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, cáo buộc Nga đã chặn các tàu của họ. Kiev mới đây cho biết đang tổ chức các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc nhằm đảm bảo việc xuất khẩu ngũ cốc. Về phần mình, Nga phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc nói trên.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á Daniel Kritenbrink cho biết ông mong đợi một cuộc trao đổi “thẳng thắn” về Ukraine trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Blinken và Bộ trưởng Vương Nghị, dự kiến ​​vào ngày 9-7.

“Đây sẽ là một cơ hội khác để truyền đạt kỳ vọng của chúng tôi về những gì chúng tôi mong đợi ở Trung Quốc làm và không làm trong bối cảnh xung đột Ukraine” – ông Daniel Kritenbrink nói.

Không lâu trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Bắc Kinh và Moscow đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn”, theo Reuters. Dẫu vậy, Quốc vụ khanh Daniel Kritenbrink cho biết chưa thấy Trung Quốc né tránh các lệnh trừng phạt do Mỹ đứng đầu đối với Moscow hoặc cung cấp thiết bị quân sự cho Nga.

Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối lên án Nga trong xung đột Ukraine. Bắc Kinh cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt sâu rộng với Moscow, theo Reuters. Giới chức Mỹ đã cảnh báo về những hậu quả, bao gồm cả các lệnh trừng phạt, nếu Trung Quốc hỗ trợ chiến sự của Nga.

Ông Kritenbrink cho biết việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với đối tác Trung Quốc là “hết sức quan trọng” để đảm bảo “ngăn chặn bất kỳ tính toán sai lầm nào có thể vô tình dẫn đến xung đột và đối đầu”.

Cuộc gặp với ông Vương Nghị sẽ là cuộc tiếp xúc cấp cao mới nhất giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc.

Bất chấp sự cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Washington và Bắc Kinh, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là những đối tác thương mại lớn. Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc loại bỏ thuế quan đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc để kiềm chế lạm phát gia tăng của Mỹ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.


Bằng Hưng