Giá cả hàng hóa, dịch vụ ở Mỹ đã tăng lên mức cao chưa từng thấy trong gần 3 thập kỷ và giới chuyên gia dự đoán xu hướng tăng giá sẽ tiếp diễn cho đến khi lạm phát đạt đỉnh.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quốc gia này trong tháng 10-2021 đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng theo năm cao kỷ lục kể từ tháng 11-1990.

Chuyên gia Sarah House của Công ty Wells Fargo & Co (Mỹ) nhận định chỉ số này có thể tăng mạnh trong những tháng tới cho đến khi tình hình được cải thiện đáng kể vào mùa xuân năm sau, bởi những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát như khủng hoảng năng lượng toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Điều đáng lo ngại là cú sốc lạm phát đang tấn công vào những nơi mà các hộ gia đình dễ dàng cảm nhận nhất. Chẳng hạn, trong quãng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 10-2021, giá thịt xông khói đã tăng 20%, trứng tăng gần 12% trong khi xăng tăng 50%. Những mức tăng này ở ôtô đã qua sử dụng, máy giặt và máy sấy lần lượt là 26% và cùng 15%.

Lương của nhiều người lao động dù đã được tăng mạnh nhưng vẫn không đáng kể. Thậm chí, nếu tính đến lạm phát, lương trung bình theo giờ ở Mỹ trong tháng 10-2021 đã giảm 1,2% so với tháng 10-2020.

Bảng hiệu ở một trạm xăng dầu ở TP Solana Beach, bang California hôm 9-11 cho thấy giá xăng dầu đang tăng cùng chiều với lạm phát ở Mỹ Ảnh: REUTERS

Những gì đang diễn ra ở Mỹ khiến nhiều người liên tưởng đến thời kỳ “lạm phát đình trệ” trong những năm 1970, khi vật giá và tỉ lệ thất nghiệp cùng nhau leo thang. Tuy nhiên, theo hãng tin AP, bức tranh lạm phát hiện tại ở Mỹ là rất khác: Tỉ lệ thất nghiệp tương đối thấp trong khi các hộ gia đình nhìn chung có tình hình tài chính tốt.

Tình trạng vật giá tăng phi mã đã trở thành vấn đề cấp bách đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, đặc biệt là khi mùa lễ Giáng sinh và Tạ ơn đang đến gần.

Phát biểu tại TP Baltimore, bang Maryland, hôm 10-11, ông chủ Nhà Trắng đã trình bày hướng giải quyết thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỉ USD (dự kiến được ký ban hành vào ngày 15-11).

Tổng thống Biden nhấn mạnh dự luật này cùng với gói cứu trợ kinh tế sâu rộng hơn sẽ làm chậm tốc độ lạm phát. Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình với Tổng thống Biden nhưng chỉ một phần, theo báo The New York Times.

Câu hỏi được đặt ra là khi nào lạm phát bắt đầu hạ nhiệt? Nhiều nhà nghiên cứu, kể cả công ty dự báo thường được Tổng thống Biden trích dẫn để hỗ trợ lợi ích kinh tế từ các đề xuất của ông, nói rằng dự luật trên được cấu trúc theo cách có thể làm tăng lạm phát vào năm tới trước khi tình hình được cải thiện.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell khẳng định giá cả hàng hóa và dịch vụ tại Mỹ tăng vọt chủ yếu do chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn và đây nhiều khả năng chỉ là vấn đề tạm thời.

Cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ Robert Reich khẳng định ông Powell “có thể đúng” nhưng nói thêm vẫn còn một nguyên nhân sâu xa hơn, mang tính cấu trúc và vấn đề này dường như ngày một nghiêm trọng: Kinh tế Mỹ đang tập trung vào tay của một nhóm tương đối ít tập đoàn khổng lồ có quyền lực tăng giá.

Nếu thị trường cạnh tranh, các công ty sẽ phải hạ giá để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, nhóm tập đoàn nêu trên lại tăng giá sản phẩm và dịch vụ kể cả khi thu được lợi nhuận kỷ lục. Nói theo cách của cựu Bộ trưởng Reich, họ có quá nhiều quyền lực thị trường đến mức có thể tăng giá mà chẳng hề hấn gì.

Vấn đề cốt lõi không phải là lạm phát, mà là thiếu cạnh tranh. Các tập đoàn đang sử dụng cái cớ lạm phát để tăng giá sản phẩm và thu về những khoản lợi nhuận béo bở hơn. Cũng theo cựu Bộ trưởng Reich, vấn đề cấu trúc này chỉ có thể được giải quyết thông qua duy nhất một điều: Tích cực sử dụng luật chống độc quyền! 

Giá USD tăng vọt

Giá đồng USD tăng vọt trong ngày thứ ba liên tiếp hôm 12-11 sau khi báo cáo lạm phát cao kỷ lục của Mỹ gây sốc cho thị trường, khiến các nhà đầu tư kỳ vọng Mỹ sẽ tăng lãi suất sớm nhất vào giữa năm 2022.

Theo Reuters, so với 6 đồng tiền chủ chốt, chỉ số đo lường biến động của đồng bạc xanh đứng ở mức 95,27 điểm, cao nhất kể từ tháng 7-2020. Sau báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ trong tháng 10 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, các nhà đầu tư đang tập trung theo dõi khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất. Theo đài CNBC, khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 7 năm sau đang lớn dần.

Ông Ray Attrill, người đứng đầu chiến lược ngoại hối của Ngân hàng quốc gia Úc, nói với Reuters rằng tỉ giá thay đổi, đặc biệt là trong ngắn hạn, cho thấy các nhà giao dịch tin rằng FED sẽ tăng lãi suất nếu giá tiếp tục tăng cao hơn. Theo chuyên gia này, thị trường vẫn tin tưởng FED sẽ không để lạm phát tăng cao kéo dài vô thời hạn. Trong khi đó, chiến lược gia Alan Ruskin của Tập đoàn Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) cho biết: “Nếu FED không phản ứng với lạm phát cao thì đồng USD là âm (giảm giá) nhưng nếu FED thắt chặt lãi suất trong tương lai thì đồng USD dương (tăng giá). Hiện tại, đồng USD đang mắc kẹt giữa hai tình huống trên”.

Xuân Mai


CAO LỰC

Chia sẻ