Buổi tiệc ban đầu dự kiến được tổ chức ngày 7-8 ở khu biệt thự trên đảo Martha’s Vineyard tại bang Massachusetts mà gia đình ông Obama đã mua vào năm 2019.

Bà Hannah Hankins, phát ngôn viên của cựu Tổng thống Obama, hôm 4-8 cho biết: “Do sự lây lan của biến thể Delta trong tuần qua, cựu Tổng thống Obama và phu nhân đã quyết định giảm đáng kể quy mô sự kiện chỉ bao gồm gia đình và bạn bè thân thiết. Ông ấy cảm kích mọi người gửi lời chúc sinh nhật từ xa và mong sớm gặp lại tất cả”.

Cựu Tổng thống Obama và phu nhân. Ảnh: New York Times

Theo trang Axios, dự kiến ​​ban đầu sẽ có hàng trăm khách mời tham dự với điều kiện phải tiêm vắc-xin trước đó. Ngoài ra, họ cũng cần có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Theo bà Hankins, một điều phối viên về Covid-19 cũng đã được thuê nhằm đảm bảo người tham dự tuân thủ nguyên tác phòng dịch Covid-19.

Cựu Tổng thống Obama đã bước sang tuổi 60 hôm 4-8. Một số nhân vật bảo thủ đã chỉ trích kế hoạch tổ chức tiệc sinh nhật quy mô lớn sau khi thông tin chi tiết về sự kiện này được công bố trong tuần.

Trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 4-8 cho biết mức độ lây lan dịch bệnh “đáng kể” ở hạt Dukes, bang Massachusetts, trong đó có cả đảo Martha’s Vineyard. Cho đến nay, các thị trấn trên đảo Martha’s Vineyard đã đưa ra khuyến cáo về việc đeo khẩu trang nhưng không bắt buộc.

Nhiều nước quyết tiêm liều 3

Mỹ hôm 4-8 đã bác lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc tạm hoãn tiêm liều tăng cường để các nước giàu tập trung vào việc cung cấp vắc-xin cho các quốc gia nghèo hơn.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các quốc gia và công ty kiểm soát việc cung cấp vắc-xin thay đổi lộ trình ngay lập tức và ưu tiên giải quyết sự bất bình đẳng gay gắt trong phân phối vắc-xin Covid-19 giữa các quốc gia giàu và nghèo.

Tuy nhiên, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng Mỹ đã đóng góp vắc-xin nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và đang thúc đẩy các nước khác làm tương tự. Người phát ngôn này nhấn mạnh Mỹ có thể vừa đảm bảo nguồn cung liều tăng cường cần thiết trong nước vừa quyên góp cho các nước khác mà không phải lựa chọn một trong hai.

WHO hy vọng mọi quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9, ít nhất 40% vào cuối năm và 70% vào giữa năm 2022. Ở các quốc gia được xếp vào danh sách thu nhập cao của Ngân hàng Thế giới, khoảng 101 liều/mỗi 100 người đã được sử dụng. Tỉ lệ đó giảm xuống còn 1,7 liều trên mỗi 100 người ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất.

Israel, Nga và Hungary đã bắt đầu cung cấp liều tăng cường cho nhiều nhóm đối tượng cần thiết trong khi Đức và Pháp thông báo sẽ có động thái tương tự từ ngày 1-9. Các quốc gia khác, bao gồm Mỹ và Anh, đang xem xét kế hoạch này khi biến thể Delta lây lan nhanh chóng.


Xuân Mai

Chia sẻ