Lầu Năm Góc hôm 9-3 cho biết Mỹ đồng ý giảm số lượng quân nhân tại Afghanistan từ khoảng 12.000 người xuống còn 8.600 người trong vòng 135 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận với Taliban, 29-2. Chính phủ Afghanistan không tham gia vào thỏa thuận này nhưng dự kiến ​​sẽ hội đàm với Taliban.

Mặc dù rút bớt lực lượng nhưng Mỹ vẫn để lại các phương tiện quân sự để thực hiện mục tiêu đã đề ra, bao gồm chống phong trào khủng bố al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và hỗ trợ Lực lượng An ninh và Quốc phòng Afghanistan. Thêm vào đó, Mỹ và các đồng minh NATO sẽ rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng nếu Taliban tuân thủ thỏa thuận.

Dựa trên thỏa thuận này, Taliban đồng ý kiềm chế các cuộc tấn công cũng như không cho phép al-Qaeda hoặc bất kỳ nhóm cực đoan nào khác hoạt động trong khu vực mà họ kiểm soát.

Lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Reuters

Taliban chính là phía kêu gọi xuống thang căng thẳng và hôm 9-3, phát ngôn viên Lực lượng Mỹ tại Afghanistan Sonny Leggett, tuyên bố Washington đang thực hiện giai đoạn rút quân đầu tiên.

Trong khi đó, bất ổn chính trị mới tại Afghanistan được dự báo sẽ đe dọa triển vọng đàm phán giữa các bên. Cụ thể, hôm 9-3, cả hai ông Ashraf Ghani (tổng thống đương nhiệm) và Abdullah Abdullah đều tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Ủy ban bầu cử Afghanistan khẳng định ông Ghani giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 9 năm ngoái song ông Abdullah cáo buộc kết quả này là gian lận.

Hàng trăm người đã tập trung tại 2 địa điểm bên trong dinh tổng thống để theo dõi các nghi lễ tuyên thệ dành cho ông Ghani và ông Abdullah. Tuy nhiên, một sự cố xảy ra khi có ít nhất 2 vụ nổ làm gián đoạn buổi lễ và khiến một số người bỏ chạy.

IS sau đó thừa nhận chúng nhắm mục tiêu vào ông Ghani bằng cách bắn 10 quả rốc-két gần dinh tổng thống ở Kabul.

Về phía Mỹ, nước này cho biết họ phản đối “việc thành lập một chính phủ song song” và bày tỏ sự hỗ trợ rõ ràng cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Ghani. “Ưu tiên cho một chính phủ thống nhất ở Afghanistan là điều tối quan trọng đối với tương lai của đất nước, đặc biệt là vì sự nghiệp hòa bình” – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói hôm 9-3.

Ông Ghani tuyên thệ nhậm chức hôm 9-3. Ảnh: Reuters


Phạm Nghĩa (Theo BBC)