“Luật mới được đặt theo tên của Emmett Till, một thiếu niên người Mỹ gốc Phi 14 tuổi bị giết hại tàn bạo vào năm 1955” – hãng thông tấn AP cho biết. Theo AP, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành luật này ngay tại Vườn Hồng trong Nhà Trắng, xung quanh có Phó Tổng thống Kamala Harris và nhiều quan chức cấp cao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật Emmett Till tại Vườn Hồng trong Nhà Trắng hôm 29-3. Ảnh: AP.

Cậu thiếu niên da màu Emmett Till bị bắt cóc và sát hại vào tháng 8-1955 khi đi thăm họ hàng ở bang Mississippi, miền Nam nước Mỹ. Sau 3 ngày, thi thể cậu được tìm thấy bên một con sông ở địa phương. Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi một phụ nữ da trắng có tên Carolyn Bryant cáo buộc Till động chạm vào người bà tại một cửa hàng.

Vụ việc đã làm bùng nổ phong trào đấu tranh cho dân quyền ở Mỹ trong những năm 1950 khi 2 người đàn ông da trắng có mối quan hệ thân thiết với bà Carolyn Bryant thừa nhận đã sát hại và ném xác Till xuống sông Mississippi. Thế nhưng, đáng nói là những người này lại được một bồi thẩm đoàn da trắng tha bổng.

Bà Mamie Till, mẹ của thiếu niên da màu Emmett Till, đau buồn trước di ảnh con năm 1955. Ảnh: AP.

Đạo luật trên được Tổng thống Joe Biden ký ban hành sau thời điểm nổ ra các cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter (tạm dịch: Mạng sống của người da đen cũng đáng quý) làm rung chuyển nước Mỹ vào năm 2020, phản đối việc cảnh sát ghì cổ đến chết người đàn ông da đen George Floyd ở Minneapolis.

Một cậu bé cầm bức ảnh Emmett Till tại buổi tưởng niệm một năm ngày ông George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết ở Minneapolis. Ảnh: Reuters

“Thù hận chủng tộc không phải là vấn đề cũ mà là vấn đề dai dẳng” – Tổng thống Joe Biden phát biểu sau khi ký ban hành đạo luật. Trong khi đó, Phó Tổng thống Harris cảnh báo: “Thù hận chủng tộc không phải tàn tích của quá khứ vì nó vẫn xảy ra ở nước Mỹ”.

“Đạo luật Emmett Till khiến những kẻ bị bị kết án đối mặt với mức án lên tới 30 năm tù giam” – AP nhận xét.

Thực tế, hơn 120 năm trước, các nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất đạo luật chống “tội ác hận thù” nhưng phải đến hơn thế kỷ sau mới được chính thức thông qua trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden.


Bằng Hưng