Theo sáng kiến được công bố hôm 15-9, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Úc mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, qua đó hải quân Úc đối phó tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc tại khu vực. Mỹ, Úc, Anh cũng có kế hoạch tăng cường chia sẻ công nghệ về an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo…

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc không nói đến Trung Quốc trong công bố nói trên. Giới chức Mỹ cũng khẳng định quan hệ đối tác an ninh 3 bên này không nhằm chống lại Bắc Kinh.

Dù vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng thỏa thuận “phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực, đồng thời thúc đẩy chạy đua vũ trang”.

Các tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Hoàng gia Úc Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc

Ông Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ), tỏ ra ngạc nhiên khi Mỹ đồng ý chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân nhạy cảm với Úc, cũng như chuyện Úc theo đuổi những khí tài quân sự đắt tiền như thế dù ngân sách quân sự không quá dồi dào.

Tuy nhiên, bà Jennifer Moroney, chuyên gia về hợp tác an ninh tại Tổ chức Rand Corp (Mỹ), cho rằng việc Trung Quốc mở rộng phạm vi tiếp cận đã thúc đẩy các khoản đầu tư quân sự mới tại khu vực. Theo bà Moroney, Úc cần tăng cường khả năng phòng thủ của mình và tàu ngầm chỉ là một phần trong số này.

Năng lượng hạt nhân sẽ cho phép tàu ngầm tấn công của Úc hoạt động liên tục trong 5 tháng và vận hành êm hơn so với tàu ngầm lớp Collins hiện có, từ đó giúp nó tránh né được kẻ thù tốt hơn.

Dù vậy, một số chuyên gia lo ngại thỏa thuận sẽ đặt ra tiền lệ nguy hiểm để các nước có thể khai thác lỗ hổng trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Hiệp ước này cho phép các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân được đóng tàu ngầm hạt nhân. Vật liệu phân hạch dành cho lò phản ứng trên tàu ngầm hạt nhân được lấy từ những kho đang được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế giám sát.

Nỗi lo ở đây là một quốc gia có thể sử dụng vật liệu hạt nhân này cho mục đích sản xuất vũ khí. Với thỏa thuận trên, theo trang The Guardian, Úc là nước đầu tiên khai thác lỗ hổng nói trên, dẫn đến nguy cơ sẽ có những quốc gia khác làm theo. 


Xuân Mai

Chia sẻ