Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa miễn thuế trong vòng 2 năm đối với các loại tấm pin năng lượng mặt trời của 4 nước Đông Nam Á: Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Song song đó, ông cũng kích hoạt Đạo luật Sản xuất quốc phòng để thúc đẩy sản xuất mặt hàng này trong nước, theo tuyên bố được Nhà Trắng đưa ra hôm 6-6.

Nhiều dự án năng lượng mặt trời trên khắp nước Mỹ bị ngưng trệ từ tháng 3 năm nay, sau khi Bộ Thương mại Mỹ tiến hành điều tra xem các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 nước Đông Nam Á nêu trên có phải là hàng Trung Quốc “núp bóng” để lách thuế hay không.

Theo Reuters, số pin năng lượng mặt trời rơi vào diện điều tra chiếm hơn phân nửa nguồn cung của Mỹ và chiếm tới 80% hàng nhập khẩu. Hệ quả kéo theo là các kế hoạch chống biến đổi khí hậu bằng cách phát triển năng lượng sạch của chính quyền Tổng thống Biden cũng bị ảnh hưởng.

Với quyết định hôm 6-6, Mỹ có thể bảo đảm đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu phát điện. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2024 tăng gấp 3 lượng điện mặt trời sản xuất trong nước, từ 7,5 GW lên 22,5 GW, đủ để cung cấp cho 3,3 triệu hộ gia đình mỗi năm.

Dự án điện mặt trời trên hồ thủy điện Đa Mi là dự án đầu tiên ở Việt Nam dùng công nghệ mới và vay vốn nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ Ảnh: THÙY DƯƠNG

Đối với năng lượng sạch, theo đánh giá của tạp chí The Economist (Anh), Việt Nam đang dẫn đầu cuộc chuyển dịch này ở Đông Nam Á, khu vực vốn cực kỳ dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Trong bài viết đăng ngày 2-6, The Economist tổng kết trong 4 năm (tính tới năm 2021), điện mặt trời từ chỗ không có gì đã chiếm gần 11% tổng lượng điện năng ở Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng được đánh giá là nhanh hàng đầu thế giới, tới cuối năm ngoái, Việt Nam trở thành nước sản xuất điện mặt trời nhiều thứ mười trên toàn cầu.

Kể từ năm 2019 đến nay, sản lượng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần. Đánh giá đây là “thành tựu đặc biệt” của Việt Nam, 2 nhà nghiên cứu Paul Burke và Thang Do của Trường ĐH Quốc gia Úc lý giải nguyên nhân trước hết là ý chí chính trị và các ưu đãi thị trường.

Nghiên cứu của 2 chuyên gia chỉ ra vào năm 2017, Chính phủ Việt Nam bắt đầu chi trả cho các nhà cung cấp điện mặt trời theo cơ chế giá ưu đãi cố định (FIT), với giá 9,35 cent Mỹ cho mỗi KWh. So với chi phí dao động từ 5-7 cent/KWh, mức giá này rất hời.

Chỉ trong 2 năm 2019 và 2020, khoảng 100.000 mái nhà được lắp tấm pin mặt trời, tăng sản lượng điện mặt trời của Việt Nam thêm một lượng lớn là 16 GW. Bên cạnh đó, Việt Nam thực hiện nhiều cải cách để mở rộng cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, góp phần chấm dứt thế độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tuy nhiên, nếu Việt Nam mong muốn đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 – như Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 vào tháng 11-2021, còn rất nhiều việc phải làm.

Công ty Tư vấn Dezan Shira chỉ ra nhu cầu năng lượng ở Việt Nam đã tăng khoảng 10% mỗi năm trong thập kỷ qua và sự phụ thuộc vào than đá cũng tăng theo. Tỉ trọng nhiệt điện than đã tăng từ 33% lên 51% trong tổng lượng điện sản xuất trong vòng 5 năm (tính đến năm 2021), theo thống kê của tổ chức năng lượng Ember (Anh).

Một trong số giải pháp là tăng tốc sản xuất năng lượng gió và mặt trời càng nhanh càng tốt, bên cạnh lượng điện năng đến từ nguồn tái tạo chủ yếu hiện nay là thủy điện.

 Theo chuyên gia Burke, các nhà hoạch định đang soạn thảo kế hoạch năng lượng quốc gia còn cần tính toán mở rộng và nâng cấp hệ thống đường dây để có thể bao phủ toàn bộ đất nước cũng như tương thích với các nguồn năng lượng tái tạo. 


HẢI NGỌC