Đường bay của hai máy bay Mỹ chỉ cách khu vực do phe ly khai được Nga hậu thuẫn ở vùng Donbass của Ukraine chưa tới 64 km, cũng như rất gần khu vực đóng quân của các lực lượng quân sự Nga tập trung sát biên giới với Ukraine trong nhiều tháng gần đây.

Có khả năng nhiệm vụ của hai máy bay nói trên là thu thập tình báo và lập bản đồ đóng quân, cung cấp một cái nhìn toàn diện về lực lượng Nga trước các lo ngại Moscow đang chuẩn bị mở chiến dịch tấn công Ukraine vào tháng 1-2022.

Nga phủ nhận ý định sẽ mở chiến dịch tấn công Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin khẳng định tình hình căng thẳng lúc này là do khối NATO liên tục mở rộng hiện diện quân sự xuống phía Đông và xung quanh lãnh thổ Nga, khiến nước này buộc phải phản ứng lại.

Đường bay của hai máy bay Mỹ chỉ cách khu vực do phe ly khai được Nga hậu thuẫn ở vùng Donbass của Ukraine chưa tới 64 km. Ảnh: defence-blog

Theo tạp chí Forbes, giải pháp ngoại giao vẫn có thể thực hiện được. Sau cuộc điện đàm đầu tháng 12 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó ông Biden cảnh báo ông Putin về các biện pháp trừng phạt kinh tế tiềm tàng nếu Nga xâm lược, chính phủ Mỹ và Nga đã đồng ý đàm phán vào tháng 1 năm sau.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin hôm 27-12 cảnh báo về “nguy cơ cao” xảy ra xung đột giữa nước này và nước láng giềng Ukraine, sau khi Moscow đe dọa sẽ có những “biện pháp quân sự – kỹ thuật thích hợp” để đáp trả.

Ông Fomin cho biết: “Sự phát triển quân sự của khối đã được chuyển hướng hoàn toàn để chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn, cường độ cao với Nga”. Thứ trưởng Quốc phòng Nga cũng chê trách NATO vì đã kích động xung đột bằng cách cử tàu chiến và máy bay trinh sát tới hỗ trợ Ukraine.

Xe tăng NATO khai hỏa trong màn trình diễn bắn súng ban đêm tại cuộc tập trận Iron Spear 2021 ở khu huấn luyện Adazi hồi tháng 10. Ảnh: Reuters

Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden nhiều lần kêu gọi giảm leo thang căng thẳng và chấm dứt chiến tranh ở các tỉnh miền đông Ukraine. Ngày 25-12, có nguồn tin tiết lộ Lầu Năm Góc đang soạn thảo một kế hoạch cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine, để Kiev có thể phản ứng nhanh chóng trước những hành động tấn công bất ngờ từ Nga.

Một phần trong kế hoạch sẽ là Washington cam kết chia sẻ cho Ukraine những hình ảnh do thám mới nhất khi các lực lượng quân sự Nga di chuyển về phía biên giới giáp với Ukraine cùng một số thông tin khác.

Quân đội Nga mới đây thông báo đã rút bớt 10.000 trở về “các điểm triển khai thường trực” sau cuộc huấn luyện thực địa gần khu vực biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, vẫn còn một lực lượng khoảng 70.000-100.000 binh lính Nga tiếp tục ở lại.

Quan hệ Nga và NATO leo thang căng thăng trong những tháng gần đây. Hồi tháng 10, Nga đình chỉ mọi quan hệ trực tiếp với NATO, đóng cửa các văn phòng của khối này ở Moscow để đáp trả việc NATO trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga khỏi trụ sở chính ở Brussels, Bỉ. 

Lúc đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho rằng, các kênh song phương đã được khối này sử dụng để tăng cường tuyên truyền và gây áp lực lên Nga, thay vì đối thoại có ý nghĩa.


Huệ Bình

Chia sẻ