Mục tiêu của dự luật được lưỡng đảng Dân chủ – Cộng hòa ủng hộ này là chi 110 tỉ USD trong vòng 5 năm tới để nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến nhằm đối trọng với sức ép của Trung Quốc.

Theo bản thảo dự luật dài 131 trang được Reuters tiết lộ hôm 7-5, phần lớn số tiền trên (hơn 95 tỉ USD) được dành cho các lĩnh vực công nghệ then chốt như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, điện toán lượng tử, thông tin liên lạc, công nghệ sinh học và năng lượng tiên tiến. Hơn 10 tỉ USD còn lại được dùng để xây dựng ít nhất 10 trung tâm công nghệ khu vực để từ đó hình thành chương trình phản ứng khủng hoảng về chuỗi cung ứng.

Dự luật đề xuất thành lập một văn phòng mới phụ trách chính sách đổi mới sản xuất và công nghiệp. Cũng theo dự luật, các công ty Trung Quốc phải có giấy phép miễn trừ mới được tham gia chương trình “Sản xuất tại Mỹ” (Manufacturing USA).

Công nhân thao tác trên dây chuyền sản xuất pin xe điện Octillion ở TP Hợp Phì – Trung Quốc Ảnh: REUTERS

“Biên giới vô tận” nằm trong gói lập pháp về vấn đề cạnh tranh với Trung Quốc, do lãnh đạo phe đa số (Đảng Dân chủ) Thượng viện Chuck Shmumer điều phối. Đây cũng là lĩnh vực hiếm hoi nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng.

Ngoài “Biên giới vô tận”, gói luật này còn có dự luật Cạnh tranh chiến lược (Strategic Competition) – đang chờ bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ. Với phạm vi điều chỉnh rộng hơn – bao gồm chiến lược ngoại giao, phát triển quân sự, các giá trị cạnh tranh…, dự luật Cạnh tranh chiến lược nhằm ngăn chặn “hành vi kinh tế săn mồi” của Trung Quốc cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh của Mỹ.

Theo trang NikkeiAsia, đề xuất ngân sách của dự luật này bao gồm 655 triệu USD hỗ trợ các nước khác mua vũ khí Mỹ, tiếp nhận các dịch vụ và hoạt động huấn luyện ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho tài khóa 2022-2026; 300 triệu USD hằng năm cho Quỹ Ngăn chặn ảnh hưởng Trung Quốc; 100 triệu USD để Washington hỗ trợ các nước phát triển công nghệ, trong đó có xây dựng hạ tầng số ở các thị trường mới nổi và đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ Mỹ…

Ở trong nước, Dự luật Cạnh tranh chiến lược sẽ rót kinh phí cho các chương trình hỗ trợ công ty Mỹ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. 


Hải Ngọc

Chia sẻ