Ngày 14-2, đại diện Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (C07, Bộ Công an) cho biết đoàn cứu nạn, cứu hộ của bộ đã đến làm việc tại hiện trường mới để tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Nỗ lực vượt khó

Theo đó, địa điểm mới là 3 tòa nhà trên đường Kemalpasa, quận Cumhuriyet, TP Adiyaman – Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, theo C07, đoàn Việt Nam sẽ phối hợp với Đoàn Cứu nạn, cứu hộ của Mỹ và lực lượng chức năng Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm nơi được dự kiến sẽ có đến hơn 100 nạn nhân đang bị vùi lấp.

Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về cung cấp hậu cần, khí hậu khắc nghiệt, lạnh giá, phải ngủ trong lều bạt, không có nơi tắm rửa, vệ sinh…, các cán bộ, chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ quốc tế của Bộ Công an vẫn nỗ lực hết sức “chạy đua với thời gian, chạy đua với tử thần” để tìm kiếm người đang bị vùi lấp trong các đống đổ nát trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại hiện trường, thiếu tá Lại Tuấn Anh, cán bộ Phòng Công tác cứu nạn, cứu hộ (thuộc C07), cho biết đoàn chỉ có 24 người, do vậy phải chia ca để thay nhau cứu nạn nhằm bảo đảm sức khỏe trước khối lượng công việc khổng lồ. Việc cứu nạn diễn ra từ 8 giờ đến 22 giờ theo giờ địa phương, thậm chí có ngày đến hơn 1 giờ hôm sau.

Chia sẻ thêm về những khó khăn, theo vị cán bộ C07, dù đã chuẩn bị kỹ từ đồ ăn, nước uống, lều bạt… song sau trận động đất, TP Adiyaman bị ảnh hưởng nặng nề. Hệ thống nước sạch rồi nơi ăn nghỉ, sinh hoạt đều bị hạn chế, đoàn phải dùng nước đóng chai để tắm rửa, nấu ăn và sinh hoạt hằng ngày một cách tiết kiệm.

“Thời tiết tại TP Adiyaman cũng rất khắc nghiệt, lúc này nhiệt độ tại đây dao động từ âm 6 độ C đến 6 độ C, đây là khó khăn lớn nhất. Tuy nhiên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ rất nhiều cho đoàn công tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đoàn làm nhiệm vụ” – thiếu tá Tuấn Anh cho biết.

Đến nay, đoàn công tác của Bộ Công an đã phối hợp cứu được 1 nạn nhân còn sống, đưa ra ngoài 6 thi thể ở 2 địa điểm được phân công.

Đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tại khu vực đường Rustem Tumer Pasa, TP Antakya, tỉnh Hatay – Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Khẩn trương tìm kiếm, giải cứu

Trong khi đó, đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam gồm 76 người đã tới TP Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ tối 13-2 (giờ địa phương) để tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ sau thảm họa động đất.

Tại sân bay, đoàn có cuộc trao đổi với đại diện Tổng cục Điều phối thiên tai và tình trạng khẩn cấp thuộc Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ để nắm nhu cầu của phía bạn. Sau khi nhận hành lý, kiểm kê vật chất, đoàn cơ động về vị trí đóng quân tại một sân vận động ở Antakya rồi triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay trong đêm.

Ngày 14-2, Tổ trinh sát số 1 của Đội Công binh cứu sập và Đội chó nghiệp vụ của QĐND Việt Nam bắt đầu hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Địa điểm thực hiện nhiệm vụ là tại khu vực đường Rustem Tumer Pasa, TP Antakya. Với sự chỉ đạo tại hiện trường của Trưởng đoàn – Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ – Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), các tổ nhanh chóng tìm kiếm nạn nhân. Theo hiệp đồng, nếu họ phát hiện dấu hiệu khả nghi sẽ lập tức báo cáo để thống nhất với lực lượng cứu hộ địa phương cùng tham gia cứu nạn.

Lúc này, theo Reuters, hy vọng tìm thấy người sống sót trong trận động đất hôm 6-2 ngày càng phai dần dù kỳ tích vẫn còn. 198 giờ sau khi thảm họa xảy ra, 2 người được cứu sống tại TP Kahramanmaras hôm 14-2. Trong bối cảnh số người thiệt mạng trong động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tăng lên hơn 37.000, sự quan tâm đã chuyển sang cung cấp lương thực và nơi trú ngụ cho người sống sót đang đối mặt cảnh đói, lạnh sau thảm họa.

Phát biểu khi đến thăm TP Aleppo – Syria hôm 13-2, ông Martin Griffiths, Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, cho biết giai đoạn giải cứu “sắp kết thúc” và giờ là lúc quan tâm đến việc hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi động đất.

Theo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 1,2 triệu người hiện ở trong ký túc xá, hơn 206.000 lều trại đã được dựng lên và 400.000 nạn nhân sơ tán khỏi các khu vực bị tàn phá. Riêng tại Antakya, hàng trăm người rời khỏi thành phố mỗi ngày và nhiều người sưởi ấm quanh đống lửa ở các góc phố, trong công viên, ngủ trong lều hoặc ôtô… 

Đẩy nhanh cứu trợ cho Syria

Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 13-2 cho biết Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đồng ý mở thêm 2 cửa khẩu Bab al-Salam và Al Raee với Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 3 tháng để vận chuyển thiết bị và hàng cứu trợ đến những khu vực bị động đất tàn phá. Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, bước đi này sẽ góp phần giúp hoạt động cứu trợ diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

Thông báo trên được đưa ra sau khi ông Assad hội đàm với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus và Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths. Trước đó, Nhà Trắng đã thúc giục Syria và mọi bên liên quan lập tức cho phép hỗ trợ nhân đạo những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.

Theo AP, LHQ hiện chỉ được phép chuyển hàng cứu trợ đến tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria thông qua cửa khẩu duy nhất tại Bab al-Hawa. Tuy nhiên, theo hãng tin Anadolu, cửa khẩu này đã bị hư hại trong động đất.

Anh Thư


NGUYỄN HƯỞNG – DƯƠNG NGỌC – XUÂN MAI