Theo nhiều chuyên gia, giá dầu trong thời gian tới có thể tăng mạnh hơn nữa vì gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu.

“Trong trường hợp những diễn biến liên quan đến nguồn cung từ Mỹ hoặc các cuộc đàm phán ở Vienna không diễn ra như kỳ vọng, giá dầu có thể chạm mốc 150-170 USD/thùng” – chuyên gia Carlos Casanova của Ngân hàng UBP (Thụy Sĩ) dự báo, ám chỉ đàm phán hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể tạo cú hích cho nguồn cung nếu diễn biến tích cực.

Tương tự, nhà phân tích thị trường Jeffrey Halley của Công ty Oanda (Mỹ) dự đoán với đài Al Jazeera rằng giá dầu sẽ tăng mạnh, lên 120 USD/thùng, khi thị trường nếm trải đầy đủ tác động chiến dịch quân sự của Nga.

Tháng trước, nhóm chuyên gia kinh tế của Công ty JPMorgan Chase & Co. (Mỹ) cảnh báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm nay có thể xuống mức dưới 1% nếu giá dầu chạm ngưỡng 150 USD/thùng.

Kho chứa dầu tại TP Hamburg – Đức ngày 24-2. Ảnh: REUTERS

Giá năng lượng đã tăng vọt trong những tháng gần đây vì nhiều yếu tố, bao gồm đại dịch Covid-19, nguồn cung hạn chế và căng thẳng Nga – Ukraine leo thang. Tại Mỹ, nơi lạm phát đang ở mức cao chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980, giá xăng dầu trung bình trên cả nước hiện là 3,52 USD/gallon (3,8 lít) – tăng gần 1 USD kể từ cuối năm ngoái, theo Công ty GasBuddy (Mỹ).

Là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất dầu và khí tự nhiên, Nga là một trong những nhà cung cấp năng lượng chính cho Mỹ. Dù vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24-2 áp lệnh trừng phạt nhằm vào một công ty xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỉ USD của Nga. Ông chủ Nhà Trắng đồng thời cảnh báo Washington sẵn sàng triển khai những gói trừng phạt khắc nghiệt hơn để cô lập Nga khỏi kinh tế thế giới.

Trong trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, các quốc gia trong khu vực có thể đối mặt nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế lẫn y tế, đặc biệt nếu kịch bản này xảy ra vào mùa đông.

Theo các nhà phân tích tại Công ty Wood Mackenzie (Anh), trước mắt châu Âu vẫn đáp ứng được nhu cầu khí đốt nhưng về lâu dài, triển vọng an ninh năng lượng của các nước trong khu vực là u ám hơn nhiều.

 “Chúng ta sẽ đối mặt với một tình huống thảm khốc khi lượng dự trữ khí đốt gần cạn kiệt vào mùa đông tới. Các ngành công nghiệp khi đó sẽ phải đóng cửa. Lạm phát sẽ tăng phi mã. Khủng hoảng năng lượng châu Âu có khả năng cao sẽ châm ngòi suy thoái kinh tế toàn cầu” – chuyên gia Kateryna Filippenko của Công ty Wood Mackenzie nhận định.

Người dân tập trung tại một hầm trú ẩn ở thủ đô Kiev sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự lớn vào Ukraine hôm 25-2 Ảnh: Reuters

Nga chiếm khoảng 40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu, với một phần trong số này đi qua hệ thống đường ống ở Ukraine.

Một vài quốc gia châu Âu vẫn có nhiều phương án khác ngoài Nga. Chẳng hạn như Đức – nước tiêu thụ khí đốt Nga lớn nhất – có thể nhập khẩu nguồn cung từ Na Uy, Hà Lan, Anh và Đan Mạch. Tuy nhiên, Na Uy – nhà cung cấp lớn thứ 2 của châu Âu – đang bàn giao khí đốt với công suất tối đa, vì thế không thể thay thế bất kỳ nguồn cung nào bị thiếu từ Nga, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre khẳng định.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Công ty Barclays (Anh) nhận định Nga nhiều khả năng không cắt nguồn cung khí đốt đến châu Âu, bởi Moscow vẫn cung cấp khí đốt cho khu vực này kể cả sau khi bị phương Tây trừng phạt vì sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, cũng như ở thời đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.


Cao Lực