Nước này cũng sẵn sàng đối mặt với bất kỳ biện pháp trả đũa nào của Nga. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, ông Nauseda nói: “Chúng tôi sẵn sàng và đã chuẩn bị cho những hành động không thân thiện từ Nga, như ngắt kết nối khỏi hệ thống (lưới điện) BRELL hoặc bất kỳ biện pháp nào khác”.

Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ không có cuộc đối đầu quân sự nào với Moscow.

30 năm sau khi tách khỏi Liên Xô và 17 năm kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU), các nước Baltic vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp điện từ Nga.

Các toa tàu chở hàng ở Kaliningrad, Nga, vào ngày 20-6. Ảnh: Sputnik

Bên cạnh đó, Tổng thống Nauseda nhấn mạnh các hạn chế quá cảnh không phải là một động thái chủ quyền của riêng Lithuania, mà chỉ là việc thực hiện các lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow do giao tranh ở Ukraine.

Ông Nauseda nói: “Đây là quyết định của Liên minh châu Âu”.

Tổng thống Lithuania cho biết thêm nước này đã sẵn sàng mở rộng danh sách hàng hóa bị cấm nếu EU đưa ra các biện pháp hạn chế mới đối với Nga.

“Chúng tôi sẽ thực hiện các giai đoạn tiếp theo của lệnh trừng phạt và sẽ rất tốt nếu Ủy ban châu Âu giải thích nội dung trừng phạt với các cơ quan chức năng của Nga. Điều đó có thể loại bỏ một số căng thẳng hiện tại, vốn không có lợi cho EU hoặc Nga” – ông Nauseda tuyên bố.

Xe tải đứng tại trạm kiểm soát ở biên giới Nga- Lithuania ở vùng Kaliningrad vào ngày 22-6. Ảnh: AP

Cuối tuần trước, nhà điều hành đường sắt quốc gia của Lithuania đã cấm quá cảnh đường sắt các loại hàng hóa bị trừng phạt đến và rời khỏi Kalilingrad. Các biện pháp hạn chế cũng đã áp dụng sang cả giao thông đường bộ vào ngoại ô. Cả Vilnius và EU đều nhấn mạnh rằng các hạn chế không dẫn đến “phong tỏa” Kalilingrad.

Tuy nhiên, Moscow xem động thái của Vilnius là “phong tỏa kinh tế” đối với vùng Kaliningrad, tuyên bố hành động này vi phạm nghĩa vụ quốc tế của Lithuania về đảm bảo quá trình vận chuyển hàng hóa đến vùng lãnh thổ Nga không bị gián đoạn.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 20-6 cho biết quyết định của Vilnius là “chưa từng có” và “vi phạm mọi thứ”.

Người đứng đầu Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Nikolay Patrushev, cảnh báo rằng việc “phong tỏa” Kaliningrad có thể dẫn đến một phản ứng từ Moscow, “có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến người dân Lithuania”.

“Tất nhiên, Nga sẽ đáp trả các hành động thù địch. Các biện pháp thích hợp đang được chuẩn bị và sẽ được thông qua trong tương lai gần” – ông Patrushev trước báo giới trong chuyến thăm Kaliningrad ngày 21-6.

Vào ngày 22-6, Đức cảnh báo Nga không đáp trả Lithuania.

Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết Đức “kịch liệt bác bỏ” những lời đe dọa của Nga về “các hậu quả nghiêm trọng” đối với việc dừng vận chuyển hàng hóa. Đức kêu gọi Nga không thực hiện bất cứ biện pháp nào vi phạm luật quốc tế.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết nước này và các đối tác Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang hỗ trợ binh sĩ và vũ khí, thiết bị cho Lithuania. Đức cam kết triển khai thêm binh sĩ tới Lithuania để củng cố sườn Đông của NATO.


Huệ Bình