Khi số ca mắc Covid-19 giảm, người lao động vẫn lưỡng lự trở lại công sở – không phải vì lo ngại vấn đề an toàn sức khỏe mà chính lạm phát leo thang đã giữ chân họ ở nhà.

Đi làm ngày càng… đắt đỏ

Một cuộc khảo sát mới của Tập đoàn Công nghệ Cisco (Mỹ) cho thấy 86% người lao động tiết kiệm tiền bằng cách làm việc tại nhà một phần. Cuộc khảo sát trên được thực hiện trong năm nay với hơn 6.000 người tham gia từ Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Bà Bee Kheng Tay, Chủ tịch Cisco ở khu vực Đông Nam Á, cho biết chỉ có 5% số người được khảo sát muốn quay lại văn phòng hoàn toàn. Theo Cisco, người lao động tiết kiệm chủ yếu trong việc đi lại, ăn uống và tụ tập với đồng nghiệp. Khảo sát của Cisco cho thấy những công việc chủ động về địa điểm ở Đông Nam Á giúp người lao động tiết kiệm khoảng 144 USD/tuần.

Nhân viên văn phòng chọn hộp cơm trưa tại một cửa hàng tiện lợi ở Seoul – Hàn Quốc hôm 24-6 Ảnh: REUTERS

Làn sóng làm việc tại nhà cũng gia tăng ở khu vực ngoài châu Á. Trước đại dịch, cô Aimee Terrio ở khu Hammonds Plains, tỉnh Nova Scotia – Canada từng dành nhiều thời gian đi làm ở TP Halifax cùng tỉnh. Thời điểm đó, giá xăng rẻ hơn rất nhiều và cô không phải tốn tới 90 USD tiền xăng cho một chuyến đi tương tự gần đây. Hiện cô Terrio chỉ chi 20 USD một tuần để đến văn phòng nhờ tìm được việc mới cho phép làm việc ở nhà nhiều hơn.

Theo khảo sát của Cơ quan Thống kê Canada, vào tháng 3 năm nay, hơn 1/5 số lao động Canada cho biết họ làm hầu hết công việc ở nhà. Ông Eddy Ng, giáo sư tại Trường ĐH Queen (Canada), cho hay việc người lao động trở lại công sở dường như diễn ra chậm hơn so với mong đợi của nhà tuyển dụng.

“Để thu hút những lao động giỏi nhất, các doanh nghiệp cần chuẩn bị đưa ra mức lương cao hơn và cân nhắc các đặc quyền (như làm việc tại nhà)” – lãnh đạo cơ quan lao động ở tỉnh Ontario Monte McNaughton nhận định trong email gửi đài CBC News.

Một số giám đốc điều hành công ty Mỹ cũng cho rằng nên cho phép nhân viên nên làm việc tại nhà khi giá xăng tăng cao ngoài tầm kiểm soát. Theo CBS News, ông Patrick DeHaan, Trưởng Bộ phận Phân tích xăng dầu tại Công ty GasBuddy (Mỹ), cho biết làm việc từ xa có thể làm giảm nhu cầu xăng dầu, từ đó kéo giá đi xuống.

“Ăn tiện lợi” để tiết kiệm

Bên cạnh hạn chế di chuyển, người lao động cũng siết hầu bao trước bão giá. Trước đây, bà Park Mi-won, 62 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc, chưa bao giờ mua cơm trưa ở cửa hàng tiện lợi. Thế nhưng, bà đã làm vậy khi nhà hàng cơm trưa tự chọn yêu thích tăng giá 10%, lên 9.000 won/suất (khoảng 7 USD) trong bối cảnh lạm phát ở Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất trong vòng 14 năm qua. Bà Park nói với hãng tin Reuters: “Tại cửa hàng tiện lợi, tôi thấy các món cũng ổn mà giá cả hợp lý hơn. Hiện tôi đến đó 2-3 lần/tuần”.

Nhờ cung cấp mì ăn liền, bánh mì sandwich và kimbap với giá rẻ hơn 5 USD, các cửa hàng tiện lợi trở thành điểm ăn trưa hấp dẫn của nhiều nhân viên văn phòng Hàn Quốc. Từ tháng 1 đến tháng 5 vừa qua, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 tăng hơn 30% doanh số bán thực phẩm ăn liền so với cùng kỳ năm trước.

GS25 cũng tung ra dịch vụ đăng ký gói bữa trưa dài hạn cho nhân viên văn phòng, bao gồm giảm giá và giao trực tiếp tới công ty. Một số chuỗi cửa hàng khác cũng nhận thấy xu hướng tăng, như Emart24 có doanh số bán hộp cơm trưa tăng 50% ở các khu vực tập trung nhiều công ty.

Các nhân viên của văn phòng Chính quyền Thủ đô Tokyo làm việc trong văn phòng tắt đèn hôm 30-6 Ảnh: Reuters

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, giá lương thực toàn cầu trong tháng 5 tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá các món ăn tại nhà hàng trong tháng trước cũng đã tăng tới 7,4% so với cùng kỳ. Đây là tốc độ tăng giá nhanh nhất trong vòng 24 năm qua.

Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính cứ giá nông sản nhập khẩu tăng mỗi 1% sẽ đẩy giá thực phẩm chế biến tăng 0,36% trong năm tới và giá tại nhà hàng tăng 0,14% trong 3 năm tới. Trong cuộc khảo sát của Công ty Nhân sự Incruit (Hàn Quốc) vào tháng trước, 96% trong số 1.004 nhân viên văn phòng được hỏi cho biết họ thấy giá bữa trưa quá cao. Trong số đó, gần 1/2 đang tìm cách cắt giảm chi tiêu bữa trưa.

Ông Lee Seung-hoon, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Meritz Securities (Hàn Quốc), nhận định sức mua đang thu hẹp giữa lúc lạm phát cao.

Trong khi đó, đứng trước nguy cơ thiếu năng lượng, chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân ở Tokyo và khu vực lân cận, nơi có khoảng 37 triệu dân, tiết kiệm điện bằng cách tắt các đèn không cần thiết trong vòng 3 giờ kể từ 15 giờ mỗi ngày. Mặc dù các nhà cung cấp điện đang nỗ lực để tăng nguồn cung song Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cảnh báo tình hình vẫn rất khó lường khi nhiệt độ tăng cao. 

Áp lực tăng lương

Một số nhà tuyển dụng lao động ở Mỹ nói với tờ The Times rằng họ đang có kế hoạch tăng lương vì tình trạng thiếu hụt nhân tài do đại dịch gây ra. Chẳng hạn, Công ty Thương mại Điện tử OrderMyGear có trụ sở tại Texas – Mỹ đã tăng 3 lần ngân sách tiền thưởng trong những năm gần đây. Một số doanh nghiệp khác đang chờ xem liệu tỉ lệ lạm phát có hạ nhiệt hay không trước khi điều chỉnh tiền lương.

Mặc dù mỗi doanh nghiệp đang có kế hoạch khác nhau trong việc thúc giục người lao động quay trở lại làm việc nhưng dữ liệu cho thấy hầu hết các công ty, vốn không cho nhân viên làm việc từ xa, thừa nhận họ gặp áp lực từ yêu cầu tăng lương ngày càng nhiều.


XUÂN MAI