Nghị quyết do Ukraine, Canada, Hà Lan và Guatemala đề xuất. Trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) gồm 193 thành viên ngày 14-11, nghị quyết được 94 quốc gia ủng hộ. 73 quốc gia khác bỏ phiếu trắng, trong khi 14 quốc gia bỏ phiếu chống.

Đài RT trích dẫn nghị quyết nêu rõ: “Một cơ chế quốc tế nhằm bồi thường thiệt hại, mất mát hoặc thương tích phát sinh từ các hành động của Nga ở Ukraine cần phải được thiết lập”.

Mặc dù không mang tính ràng buộc thực thi, nghị quyết của LHQ cũng có sức nặng chính trị, theo đài RT.

Bảng hiển thị kết quả cuộc bỏ phiếu nghị quyết công nhận Nga phải bồi thường thiệt hại cho Ukraine tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, ngày 14-11. Ảnh: Reuters

Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vassily Nebenzia đã lên tiếng về nghị quyết, gọi đây là một tài liệu không quan trọng về mặt pháp lý. Ông Nebenzia cảnh báo: “Đồng thời, các tác giả của nghị quyết không nhận ra rằng việc thông qua một nghị quyết như vậy sẽ kéo theo những hậu quả có thể tác động ngược lại họ”.

Nhà ngoại giao Nga cho rằng việc thông qua nghị quyết có thể là “boomerang” đáp trả những người khởi xướng. Theo ông Nebenzia, quyết định như vậy sẽ chỉ làm gia tăng bất ổn và căng thẳng trên thế giới.

Theo đại diện thường trực của Nga, nghị quyết nhằm hợp pháp hóa việc tịch thu tài sản của Nga bị các nước phương Tây đóng băng.

Tương tự, ông Dmitry Medvedev – phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga – nói rằng nghị quyết này nhằm hợp pháp hóa các kế hoạch của phương Tây trong việc sử dụng các tài sản Nga bị đóng băng.

Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vassily Nebenzia. Ảnh: AP

Ngoài ra, ông Medvedev viết trên Telegram rằng sau khi đã thông qua nghị quyết về bồi thường của Nga cho Ukraine, Đại hội đồng LHQ giờ đây nên kêu gọi Mỹ bồi thường thiệt hại chiến tranh liên quan đến Triều Tiên, Iraq, Nam Tư và các nước khác – theo hãng tin TASS.

Hồi tháng 9, Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Maliuska cho biết nước này có kế hoạch yêu cầu Nga bồi thường ít nhất 300 tỉ USD. Tuy nhiên, thiệt hại từ xung đột với Nga thực tế được ước tính “cao hơn nhiều”. Số tiền 300 tỉ USD ông Malyuska đưa ra tương đương khối tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị phương Tây đóng băng.


Hải Ngọc – Huệ Bình