Đại hội đồng đã thông qua một nghị quyết với sự ủng hộ của 119 quốc gia vài tháng sau khi quân đội lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc đảo chính ngày 1-2. 

Đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener phát biểu trước Đại hội đồng sau cuộc bỏ phiếu: “Nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến quy mô lớn là có thật. Thời gian là điều cốt yếu. Cơ hội để đảo ngược cuộc đảo chính quân sự đang dần thu hẹp”.

Một số nước bỏ phiếu trắng cho rằng cuộc khủng hoảng là vấn đề nội bộ của Myanmar trong khi những nước khác cho rằng nghị quyết sẽ không có tác dụng. Nhiều nước khác phàn nàn nghị quyết không giải quyết thỏa đáng hoàn cảnh của người Hồi giáo Rohingya sau khi bị đàn áp quân sự. 

Quân đội Myanmar tại TP Yangon. Ảnh: Reuters

Đại sứ Liên minh châu Âu Olof Skoog cho biết nghị quyết của LHQ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: “Nó không công nhận chính quyền quân đội, lên án sự lạm dụng và bạo lực đối với người dân Myanmar”.

Nghị quyết của LHQ kêu gọi quân đội Myanmar “ngừng ngay lập tức mọi bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa” và chấm dứt các hạn chế đối với mạng internet và phương tiện truyền thông xã hội.

Lực lượng của quân đội Myanmar đã giết chết hơn 860 người biểu tình kể từ cuộc đảo chính, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị. Trong khi đó, quân đội nước này khẳng định con số thực thấp hơn nhiều.


Bảo Hạnh

Chia sẻ