Các nhà phân tích nhận định cuộc xung đột giữa Israel và Palestine hiện nay cũng sẽ cản trở nỗ lực của Israel trong việc bảo đảm các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Ả Rập khác, như Ả Rập Saudi.

Theo hãng tin AP, làn sóng chỉ trích không chỉ khiến các chính phủ Ả Rập đã ký hiệp định ngoại giao với Israel rơi vào tình thế khó xử với người dân trong nước mà còn cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Palestine trên khắp Trung Đông.

Người dân Iran tập trung biểu tình thể hiện sự ủng hộ với Palestine ở thủ đô Tehran hôm 18-5 .Ảnh: REUTERS

Tại Bahrain, các tổ chức dân sự ký đơn kiến nghị thúc giục chính phủ trục xuất đại sứ Israel. Tại Kuwait, người dân yêu cầu được tổ chức thêm nhiều cuộc biểu tình. Các hình thức phản đối tương tự cũng diễn ra tại Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Làn sóng phản đối bùng nổ trong bối cảnh các máy bay chiến đấu của Israel tiếp tục không kích ở Dải Gaza hôm 19-5, phá hủy nhiều tòa nhà dân cư và gây thương vong cho người dân Palestine.

Các quan chức y tế Gaza cho biết ít nhất 219 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 63 trẻ em và hơn 1.500 người bị thương kể từ khi cuộc giao tranh bắt đầu hôm 10-5. Phía Israel ghi nhận 12 người thiệt mạng và ít nhất 300 người bị thương. Khoảng 58.000 người Palestine đã phải rời bỏ nhà cửa.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết các cuộc tấn công của Israel đã làm hư hại ít nhất 18 bệnh viện và phá hủy một cơ sở y tế. Gần 1/2 số thuốc thiết yếu đã cạn kiệt. Dù bạo lực leo thang hơn 10 ngày, các nỗ lực ngoại giao nhằm đi đến thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas ở Gaza vẫn chưa đạt được nhiều thành tựu.

Quân đội Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích được cho là nhắm vào cơ sở hạ tầng của Hamas trong khi các tay súng Palestine phóng hơn 3.700 quả rốc-két vào Israel, trong đó hàng trăm quả bị rơi và số còn lại bị đánh chặn.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc dự kiến thảo luận về cuộc khủng hoảng Israel – Palestine trong ngày 20-5. 


Xuân Mai

Chia sẻ