Trong 1 thông báo ngắn, văn phòng Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ sẽ đánh giá mức độ mà các quan chức Lầu Năm Góc có thể phát hiện và ứng phó nếu cặp hạt nhân “bị mất, bị đánh cắp hoặc bị xâm phạm”.

Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ những lo ngại xung quanh vụ bạo loạn đã dẫn đến quyết định trên. Vào hôm đó, Phó Tổng thống Mike Pence có mặt tại Điện Capitol cùng với một phụ tá quân sự mang theo chiếc cặp hạt nhân dự phòng khi tòa nhà bị người ủng hộ của cựu Tổng thống Donald Trump tấn công.

Chiếc cặp này chứa các mã được tổng thống sử dụng để xác nhận lệnh phóng tên lửa hạt nhân trong trường hợp ông không có mặt tại Nhà Trắng. Trong một đoạn clip được công bố tại phiên tòa luận tội ông Trump, có thể thấy ông Pence và phụ tá quân sự, người giữ chiếc cặp, được đưa đến nơi an toàn khi người biểu tình đến gần vị trí của họ. 

Chiếc cặp hạt nhân trên tay 1 phụ tá quân sự. Ảnh: Reuters

Kể cả khi chiếc cặp rơi vào tay những kẻ bạo loạn, lệnh phóng tên lửa vẫn cần được xác nhận và xử lý bởi quân đội. Tuy nhiên, ngày 6-1 chỉ là một trong số nhiều lần an ninh của chiếc cặp bị đặt nghi vấn trong nhiệm kỳ của ông Trump. 

Vào tháng 11-2017, khi ông Trump dùng bữa trưa với Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, một quan chức an ninh Trung Quốc đã xô xát với phụ tá quân sự Mỹ mang chiếc cặp hạt nhân tại 1 phòng khác. 

Khi đó, Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly phải can thiệp và xung đột với quan chức an ninh Trung Quốc để đảm bảo chiếc cặp không rời khỏi tay người phụ tá. Sau đó, các quan chức Trung Quốc đã xin lỗi ông Kelly về vụ việc nhưng ông từ chối chấp nhận lời xin lỗi này. 

Trong lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, ông Trump nhất quyết rời Washington trước khi buổi lễ diễn ra nên chiếc cặp cũng phải đi cùng ông đến khi ông Biden tuyên thệ. Một phụ tá phải mang theo chiếc cặp bám sát ông Trump đến TP Palm Beach, bang Florida đến khi ông không còn là tổng thống.


Bảo Hạnh

Chia sẻ