Báo Nikkei Asian cho biết thời gian qua đồng yen có xu hướng giảm giá mạnh so với USD và các tiền tệ khác, khiến hơn 1,72 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Thậm chí, trong tháng 10 vừa qua, đồng yen rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 32 năm qua so với đồng USD, theo hãng tin Kyodo. Trong vòng 2 năm qua, đồng yen đã giảm 20% so với tiền đồng của Việt Nam.

Xoay xở để thích ứng

Mức lương trung bình ở Nhật Bản tính theo đồng USD lao dốc 40% trong thập kỷ qua. Thực tế này khiến đời sống của đại đa số thực tập sinh (TTS) Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, đồng thời làm đảo lộn các kế hoạch chi tiêu, gửi tiền về quê nhà.

Anh Lê Việt Tú (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) đang làm trong ngành cơ khí tại tỉnh Aichi. Anh cho biết mình hiện là TTS năm cuối nên mức lương hằng tháng khoảng 135.000 yen (gần 23,7 triệu đồng). Nếu so với tỉ giá cuối năm 2020, hiện mỗi tháng anh Tú mất gần 7 triệu đồng.

 “Khi tôi mới sang, năm 2020, giá 1 yen quy ra tiền Việt Nam là hơn 221 đồng. Lương của tôi thời điểm đó thấp hơn nhưng đổi ra tiền Việt lại nhiều hơn bây giờ. Tôi tính nếu giá yen cứ lao dốc thế này, năm nay tôi mất khoảng 85 triệu đồng, một số tiền rất lớn ở quê tôi” – anh Tú cho biết.

Để có thêm tiền gửi về cho gia đình, anh Tú nhận đi giao hàng cho một đơn vị vận chuyển của người Việt gần đó vào những ngày nghỉ. Ở quê, cha mẹ đang sửa lại ngôi nhà để chuẩn bị đón anh trở về sau 3 năm làm việc tại Nhật. Áp lực về tiền bạc khiến Tú gần như không còn thời gian nghỉ ngơi, hễ rảnh là anh đi làm thêm.

Tương tự, chị Võ Nguyễn Huyền Trang (26 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng chật vật để có tiền gửi về nhà. Chị Trang đang là TTS ngành đóng gói thực phẩm tại tỉnh Kanagawa với mức lương khá thấp, chỉ khoảng 105.000 yen/tháng sau khi trừ thuế. Với tỉ giá yen hiện tại, mỗi tháng thu nhập của chị Trang chỉ hơn 18 triệu đồng.

Ba thực tập sinh Việt Nam làm việc tại Công ty Mimatu, tỉnh Niigata – Nhật Bản

Trang cho biết 2 năm trước, mỗi tháng chị gửi về quê 15 triệu đồng để phụ cha mẹ nuôi 2 em ăn học. Nhưng hiện nay, gói ghém lắm chị Trang mới dành đủ 10 triệu đồng gửi về, có tháng chỉ gửi được 7 triệu đồng.

“Tiền tôi gửi về là thu nhập chính của gia đình nên không gửi không được. Ba mẹ hiểu nên ở nhà cũng rất tiết kiệm, bên này tôi chẳng dám mua sắm, chi tiêu cắt bớt rất nhiều. Chỗ tôi làm không cho tăng ca nên thu nhập thấp, đi làm thêm cũng khó vì nhà máy khá xa trung tâm thành phố” – chị Trang bộc bạch.

Nên giữ tiền yen trong tài khoản

Ông Lê Long Sơn – Tổng Giám đốc Esuhai Group, đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm phái cử lao động sang Nhật Bản – cho rằng đồng yen giảm giá ảnh hưởng không nhỏ đến đại bộ phận lao động Việt Nam tại Nhật.

Tuy nhiên, dù giá yen thấp kỷ lục thì thu nhập của người lao động Việt Nam tại Nhật sau khi trừ hết chi phí cũng còn từ 15-25 triệu đồng tùy ngành nghề. Mức thu nhập này tương đối tốt so với mặt bằng chung làm công nhân tại Việt Nam.

Theo ông Sơn, giá đồng yen sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, khi chính phủ Nhật Bản thắt chặt chính sách tiền tệ sau một thời gian nới lỏng để phục hồi kinh tế.

“Trước mắt, nếu không quá bức bách, TTS nên giữ lại tiền yen trong tài khoản, chờ khi nào tỉ giá tốt hơn hãy gửi về Việt Nam. Song song đó, TTS cần xem lại mọi khoản chi tiêu để tiết kiệm tối đa, chi tiêu hợp lý, chủ động tài chính cá nhân. TTS cũng cần nỗ lực làm việc, học hỏi thêm để sau này khi về nước có sự nghiệp vững chắc hơn” – ông Sơn nhắn nhủ.

Ông Sơn cũng cho biết trong 2 công ty của Esuhai tại Nhật Bản có cả nhân viên người Nhật và người Việt sẵn sàng hỗ trợ cho TTS, người lao động bất cứ khi nào họ cần. Báo cáo nhanh từ Nhật gửi về cho thấy đa số TTS của công ty đều thích ứng linh hoạt với tỉ giá đồng yen, trong khi một số cố gắng “thắt lưng buộc bụng” thì số khác “găm” yen chờ tăng giá lại mới gửi về Việt Nam.

Ở tầm vĩ mô, trong các cuộc tiếp xúc, làm việc với các cơ quan chức năng của Nhật Bản gần đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung đã đề nghị phía Nhật Bản xem xét chính sách tiền lương, trợ cấp cho người lao động, TTS Việt Nam.

Bộ cũng đề nghị phía Nhật Bản yêu cầu các tổ chức tiếp nhận có giải pháp hỗ trợ về tiền nhà, tiền ăn và một số dịch vụ khác trong phạm vi các nghiệp đoàn có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, bộ kiến nghị phía Nhật nghiên cứu tăng lương tối thiểu cho TTS kỹ năng cũng như lao động kỹ năng đặc định. 

Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ

Theo Bộ LĐ-TB-XH, đến thời điểm hiện nay, số TTS Việt Nam tại Nhật đã lên tới 370.000 người trong tổng số gần 500.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Trong 15 nước phái cử TTS đến Nhật Bản làm việc thì Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng TTS tiếp nhận hằng năm và tổng số đang làm việc.

Trong cuộc làm việc với ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội Nagomi, Cố vấn cao cấp Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt, tại TP Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua, TTS Việt Nam chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, nay tiền yen giảm giá làm giảm thu nhập của người lao động, bình quân mất khoảng 36% thu nhập.

Trong khi đó, lao động Việt Nam tại Nhật Bản hiện phải chịu 2 loại thuế là thuế cư trú và thuế thu nhập. “Nhật Bản không áp dụng 2 loại thuế này với lao động của nhiều quốc gia khác. Vì vậy, đề nghị các nghiệp đoàn quan tâm hỗ trợ nhiều hơn để người lao động Việt Nam, có số lượng đông và tay nghề cao, yên tâm tu nghiệp tại Nhật Bản” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.

Miễn thuế cư trú và thuế thu nhập đối với TTS Việt Nam cũng được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ra khi ông dẫn đầu đoàn công tác của Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam đến làm việc với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản tại thủ đô Tokyo hồi đầu tháng 9-2022.

“Việc bị đánh 2 lần thuế như vậy khiến thu nhập còn lại của TTS trên thực tế là rất thấp, khó bảo đảm được việc thu hút người lao động Việt Nam tham gia các chương trình của Nhật Bản” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, đồng thời đề nghị phía Nhật Bản triển khai thực hiện việc tuyển chọn lao động kỹ năng đặc định theo quy định tại thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước.

V.Duẩn


Bài và ảnh: GIANG NAM