Trong phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện, bà Yellen nói rằng Mỹ đang đối phó với “mức lạm phát không thể chấp nhận được” nhưng bà hy vọng tình trạng tăng giá sẽ sớm hạ nhiệt.

Bà Yellen lặp lại quan điểm của mình rằng lạm phát được thúc đẩy bởi giá năng lượng và lương thực tăng cao do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, sự thay đổi trong việc mua hàng hóa thời đại dịch, sự xuất hiện của biến thể mới và gián đoạn chuỗi cung ứng liên tục.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 7-6 cho rằng ​​lạm phát dự kiến vẫn ở mức cao. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 7-6 đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và cảnh báo nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái khi nền kinh tế thế giới rơi vào thời kỳ lạm phát đình trệ tương tự những năm 1970.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 xuống 2,9% từ 5,7% vào năm 2021, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với mức 4,1% được dự báo vào tháng 1. Báo cáo cho biết tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​dao động quanh mức đó từ năm 2023 đến năm 2024 trong khi lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu ở hầu hết các nền kinh tế, dấu hiệu chỉ ra lạm phát đình trệ.

Theo đài CNBC, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết: “Chiến dịch quân sự ở Ukraine, tình trạng phong toả ở Trung Quốc, gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ lạm phát đình trệ đang ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế. Đối với nhiều quốc gia, suy thoái là điều khó tránh khỏi”.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ giảm xuống 3,4% trong năm 2022 từ mức 6,6% vào năm 2021.

Khi lạm phát tiếp tục leo thang ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất để kiềm chế giá cả tăng vọt.


Xuân Mai