Trong thông báo ngày 14-10 (giờ địa phương), trung tâm nói trên cho biết đây là năm thứ hai liên tiếp La Nina – tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “cô bé” – hình thành.

Là hiện tượng nước biển ở trung tâm Thái Bình Dương lạnh hơn bình thường, La Nina cũng như hiện tượng đối nghịch El Nino thường đạt đỉnh ở Bắc bán cầu vào mùa đông nhưng ảnh hưởng của chúng lan rộng toàn cầu.

Tuy được dự báo không quá khắc nghiệt nhưng theo hãng tin Bloomberg, La Nina năm nay sẽ khiến hạn hán ở bang California của Mỹ thêm nghiêm trọng, hệ quả là cháy rừng khủng khiếp hơn.

Bình thường, bang đông dân nhất của Mỹ được “giải khát” bằng lượng nước mưa và tuyết tan trong khoảng tháng 11 đến tháng 4 năm sau nhưng La Nina có thể cản trở bằng cách dẫn các cơn bão đi lên phía Bắc.

La Nina sẽ khiến hạn hán ở bang California – Mỹ thêm nghiêm trọng Ảnh: REUTERS

Cùng chịu cảnh hạn hán là các nông dân Mỹ Latin, cụ thể là ở miền Nam Brazil và Argentina, làm cho việc canh tác bắp, cà phê và đậu nành thêm thất bát. Ngành công nghiệp dầu cọ của Indonesia cũng chịu thiệt hại nhưng là do lũ lụt gia tăng.

Cộng với việc nhiều vùng nước Mỹ và Nhật Bản hứng chịu mùa đông lạnh giá, La Nina sẽ nén thêm sức ép lên các chuỗi cung ứng năng lượng và thực phẩm toàn cầu vốn đang căng thẳng.

Mùa bão ở Đại Tây Dương cũng vì La Nina mà tăng số lượng so với 20 cơn xuất hiện mỗi năm. Năm nay, đối tượng bị bão tấn công có thể không phải là các cơ sở sản xuất và xử lý dầu, khí thiên nhiên ở vịnh Mexico mà là các bất động sản đắt tiền dọc theo bờ Đông nước Mỹ.

Các nhà khoa học cho rằng La Nina sẽ tồn tại dai dẳng trong suốt mùa đông và bắt đầu tan biến vào đầu mùa xuân, đưa Thái Bình Dương trở về trạng thái gần như bình thường.


Hải Ngọc

Chia sẻ