Theo Trung tâm Dự báo Môi trường quốc gia Mỹ, “thủ phạm” chính là hiện tượng thời tiết La Nina, vốn thường khiến nhiệt độ xuống thấp hơn bình thường tại Bắc Bán cầu.

Tổ chức Khí tượng thế giới vào tháng rồi cho biết năm nay ghi nhận hiện tượng này xảy ra trong năm thứ 3 liên tiếp và sẽ kéo dài đến cuối mùa đông ở Bắc Bán cầu.

Thời tiết như dự báo nói trên có thể khiến giá khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á tăng hơn nữa. Theo trang Bloomberg, mức giá này đã tăng kể từ giữa tháng trước sau khi giảm từ mức đỉnh vào cuối tháng 8. Ngoài ra, giá than đá, dầu diesel và dầu nhiên liệu có thể tăng theo trước nhu cầu sưởi ấm và phát điện gia tăng.

Tuyết rơi tại Cung điện Gyegbokgung ở thủ đô Seoul – Hàn Quốc hôm 15-12 Ảnh: EPA-EFA

Theo trang Bloomberg, Cục Khí tượng Trung Quốc cho biết 2 đợt lạnh sẽ xảy ra tại nước này trong những ngày tới, từ đó làm tăng nhu cầu sử dụng điện.

 Ngoài ra, một số chuyên gia nhận định nhu cầu về năng lượng tại nước này có thể vẫn ở mức cao cho đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1-2023, thời điểm các nhà máy ngừng hoạt động dịp lễ.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết thời tiết đang trở nên lạnh giá hơn ở miền Bắc. Ngoài ra, có khả năng miền Đông và miền Tây nước này ghi nhận nhiệt độ thấp hơn bình thường từ tháng 12-2022 đến tháng 2-2023.

Nhật Bản đã tích trữ nguồn cung LNG để chuẩn bị cho những tháng mùa đông, cũng như yêu cầu người dân tiết kiệm điện tối đa. Còn tại Hàn Quốc, cảnh báo về thời tiết giá rét đã được đưa ra tại hầu hết khu vực.

 Theo Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc, nhiệt độ đang giảm đáng kể nhưng vẫn có khả năng trở lại bình thường trong tháng 1 và 2-2023. Bộ Năng lượng Hàn Quốc cho biết sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân, đồng thời mua thêm than và LNG để bảo đảm nguồn cung.


Hoàng Phương