Hai Thủ tướng khẳng định cuộc hội đàm trực tuyến lần này thể hiện quyết tâm của hai bên vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam – Ấn Độ đi vào chiều sâu trên cơ sở hữu nghị truyền thống, những gắn kết về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cũng như tầm nhìn, lợi ích tương đồng giữa hai nước đối với các vấn đề khu vực, quốc tế.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh là một trụ cột trong quan hệ song phương; nhất trí tiếp tục thúc đẩy, phát huy các cơ chế tham vấn, đối thoại, mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng, huấn luyện và phối hợp trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Quang cảnh buổi hội đàm trực tuyến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi Ảnh: TTXVN

Theo TTXVN, hai bên nhất trí nỗ lực sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỉ USD/năm thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật, hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại và chính sách không có lợi cho xuất nhập khẩu, tăng cường kết nối các chuỗi sản xuất, duy trì sự ổn định của các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoa học – công nghệ, trí tuệ nhân tạo, mạng 5G, liên kết khởi nghiệp… Hai bên nhất trí tăng cường ủng hộ lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Kết thúc hội đàm, hai Thủ tướng đã thông qua “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam – Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và người dân” để định hướng phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước trong những năm tới. Theo đó, hai Thủ tướng khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không tại biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế. 

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo tiếp tục kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đàm phán thực chất để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai Thủ tướng tin tưởng rằng Tầm nhìn chung nêu trên sẽ là nền tảng cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Ấn Độ – Việt Nam.

Nhân dịp này, các bộ, ngành hai nước đã ký kết 7 văn kiện và công bố 3 chương trình hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, hạt nhân dân sự, dầu khí, năng lượng sạch, y tế, hợp tác phát triển, bảo tồn di sản và giao lưu văn hóa.


Hoàng Phương

Chia sẻ