Tại kỳ họp kéo dài đến ngày 11-3 này, khoảng 2.000 đại biểu lắng nghe và thảo luận báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ CPPCC và báo cáo công tác về những đề xuất của các đại biểu.

Một ngày sau đó, kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội – NPC) khóa XIV khai mạc với sự tham dự của khoảng 3.000 đại biểu.

Tại cuộc họp báo trước thềm kỳ họp này, ông Vương Siêu, phát ngôn viên của NPC, hôm 4-3 cho biết các đại biểu sẽ xem xét báo cáo công tác của chính phủ, dự thảo Luật Lập pháp sửa đổi, kế hoạch cải tổ các cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện, cũng như bầu chủ tịch nước, thủ tướng và các chức vụ cao cấp khác.

Khi được hỏi về việc Trung Quốc sẽ tăng ngân sách quốc phòng bao nhiêu trong năm nay và mức tăng có nhiều hơn những năm trước hay không, ông Vương không đưa ra câu trả lời chi tiết.

 Thay vào đó, ông cho biết chi tiêu quốc phòng của nước này tăng “vừa phải” và “hợp lý” trong những năm qua. Ông Vương cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự sẽ không đe dọa đến bất kỳ nước nào.

Theo trang Bloombrg, ngân sách chung cho tài khóa 2023 sẽ được công bố tại phiên khai mạc kỳ họp ngày 5-3, trong đó có mức chi tiêu quốc phòng. Bắc Kinh lâu nay cho rằng con số này chiếm tỉ lệ khá thấp so với GDP.

Kỳ họp đầu tiên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) khóa XIV khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh hôm 4-3 Ảnh: Reuters

NPC khóa mới nhóm họp sau khi nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% năm 2022, so với mục tiêu chính thức đề ra là khoảng 5,5%. Những nguyên nhân chính được nói đến là tác động của các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, thị trường bất động sản gặp khó và nhu cầu toàn cầu chậm lại.

Tại kỳ họp NPC lần này, báo cáo công tác của chính phủ sẽ đưa ra một loạt mục tiêu kinh tế và xã hội, trong đó có tăng trưởng kinh tế chính thức năm 2023. Một số nguồn tin cho Reuters biết con số này có thể lên đến 6%, so với mức 4,5% – 5,5% được đề xuất hồi tháng 11-2022.

Theo truyền thông Trung Quốc, một cuộc họp báo khác của kỳ họp dự kiến diễn ra ngày 7-3, trong đó Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương sẽ trả lời câu hỏi của giới truyền thông. Đây là lần đầu tiên ông Cương xuất hiện tại kỳ họp lưỡng hội kể từ khi nhậm chức vào tháng 12-2022.

Ông Lý Hải Đông, chuyên gia của Học viện Ngoại giao Trung Quốc, nhận định kỳ họp “lưỡng hội” năm nay dự kiến cho thế giới biết được đề xuất của Bắc Kinh đối với các vấn đề quốc tế lớn, cũng như những xu hướng mới trong ngoại giao của nước này.

Bài toán dân số giảm

Gia tăng tỉ lệ sinh là một trong những “chủ đề nóng” tại kỳ họp lưỡng hội năm nay sau khi Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng dân số âm năm 2022.

Bà Xie Wenmin, một đại biểu CPPCC, đệ trình đề xuất loại bỏ quy định kết hôn rồi mới được sinh con, cũng như cho phép đăng ký hộ khẩu đối với tất cả trẻ sơ sinh, bất kể hoàn cảnh ra đời của bé.

Điều này đồng nghĩa những cặp chưa kết hôn hoặc những cặp có nhiều hơn 3 con vẫn có thể đăng ký hộ khẩu hợp pháp cho con của họ. Bà Xie còn kêu gọi trao quyền lợi bình đẳng về giáo dục, y tế và cơ hội nghề nghiệp dành cho con của những bậc cha mẹ chưa kết hôn, theo truyền thông Trung Quốc.

Một đại biểu CPPCC khác là Jiang Shengnan nhấn mạnh cần bảo đảm để người trẻ tuổi chỉ làm việc 8 giờ/ngày để “họ có đủ thời gian hẹn hò, kết hôn và sinh con”.

Nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho việc nuôi con, đại biểu CPPCC Gan Huatian kêu gọi miễn học phí cho người con thứ ba trong một gia đình, trợ cấp giáo dục cho gia đình có hai hoặc ba con, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi và giảm thuế cho gia đình có trẻ con.

Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, dân số nước này trong năm 2022 là 1,412 tỉ người, giảm so với 1,413 tỉ người năm 2021. Lần cuối cùng Trung Quốc ghi nhận mức tăng dân số âm là vào những năm 1960. Một số chuyên gia cho rằng dân số giảm là nỗi lo không chỉ của riêng Trung Quốc bởi quốc gia này từ lâu được xem là công xưởng của thế giới.

Cao Lực


Hoàng Phương