Dữ liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 30-1 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 1-2022 là 50,1. Con số này giảm so với mức 50,3 hồi tháng 12-2021. 

50 là ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Một số chỉ số khác cũng phát đi tín hiệu đáng lo. Chẳng hạn như chỉ số về tổng đơn hàng mới tiếp tục giảm từ 49,7 xuống 49,3. Chỉ số về tổng đơn hàng xuất khẩu dù tăng lên 48,4 nhưng vẫn nằm trong “lãnh địa” suy giảm. Chỉ số về hoạt động sản xuất nhà máy là 50,9, so với mức 51,4 của tháng 12-2021. 

Đáng chú ý, chỉ số PMI Caixin (tập trung nhiều hơn vào doanh nghiệp tư nhân nhỏ) giảm xuống còn 49,1. Theo tờ The Wall Street Journal, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2-2020. 

Sự sụt giảm trên diễn ra trong bối cảnh số ca Covid-19 tại Trung Quốc gia tăng, dẫn đến các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và nhu cầu.

Zhang Zhiwei, chuyên gia của Công ty Pinpoint Asset Management (Hồng Kông) cho rằng hoạt động công nghiệp chậm lại do nhu cầu trong nước suy giảm. Lĩnh vực dịch vụ cũng chịu tác động tiêu cực bởi đợt dịch ở nhiều thành phố.

Một nhà máy sản xuất pin lithium ở tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khởi đầu năm 2021 mạnh mẽ sau khi phục hồi từ đại dịch Covid-19. Dù vậy, đến mùa hè, sự tăng trưởng này bắt đầu mất đà do vấn đề nợ nần trong thị trường bất động sản, các biện pháp phòng chống Covid-19 mạnh mẽ tác động mạnh đến niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng.

Đã xuất hiện dự báo ngành bất động sản vẫn gặp khó trong ít nhất nửa đầu năm nay. Trong khi đó, cuộc chiến chống Covid-19 có nguy cơ đối mặt với những biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm lãi suất và bơm thêm tiền mặt vào hệ thống tài chính để giảm chi phí vay. Theo Reuters, ngân hàng này dự kiến có thêm những bước đi nới lỏng khác trong những tuần tới. 

Số liệu thống kê cho thấy kinh tế Trung Quốc trong quý 4-2021 tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước đó, mức thấp nhất trong vòng 1,5 năm. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 26-1 giảm dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2022, từ 5,6% xuống còn 4,8%. 


Phương Võ

Chia sẻ