Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16-3 khẳng định lập trường của Nga và Ukraine trong các cuộc đàm phán hòa bình đang thay đổi theo hướng thực tế hơn nhưng vẫn cần thêm thời gian để đạt được thỏa thuận có lợi cho Ukraine.

Trong một động thái được xem là tìm kiếm sự thỏa hiệp với Nga, theo Reuters, Tổng thống Zelensky đã thừa nhận trước vòng đàm phán mới rằng Ukraine không thể trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ngày 16-3 cho biết Moscow và Kiev gần đạt được một số thỏa thuận, trạng thái trung lập của Kiev đang được xem xét nghiêm túc. Dù vậy, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định vẫn còn quá sớm để dự đoán tiến triển của các cuộc đàm phán nhưng với tình hình hiện tại, việc hai nước duy trì đối thoại có lẽ đã là một tín hiệu tích cực.

Theo Liên Hiệp Quốc, kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24-2, đã có hơn 3 triệu người phải chạy khỏi Ukraine để xin tị nạn tại các nước láng giềng. Trong bối cảnh xung đột không có dấu hiệu hạ nhiệt, thủ tướng các nước Ba Lan, Slovenia và CH Czech đã đến thủ đô Kiev gặp gỡ Tổng thống Zelensky vào ngày 15-3 để thể hiện sự ủng hộ.

Cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy kinh tế Nga vào thế khó, đồng thời khiến chi phí nhiên liệu tăng mạnh tại nhiều quốc gia châu Âu, đặc biệt là những nước phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Công nhân kiểm tra nhiên liệu của một chiếc xe gần bồn chứa dầu ở TP Brasilia – Brazil ngày 14-3 Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Anh Boris Johnson đến Trung Đông vào ngày 16-3 để gặp gỡ Thái tử Mohammed bin Zayed ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), trước khi hội đàm với Thái tử Mohammed bin Salman ở Ả Rập Saudi trong những nỗ lực nhằm tìm kiếm nguồn dầu bổ sung.

Chuyến công du trên diễn ra 1 ngày sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh công bố lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga trong khi Moscow đáp trả bằng việc đưa Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng một loạt quan chức của nước này vào danh sách cấm nhập cảnh.

Gói trừng phạt mới nhất của EU bao gồm lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và cấm nhập khẩu các sản phẩm thép của Nga.

Trước những diễn biến nêu trên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 15-3 cảnh báo xung đột Nga – Ukraine có thể tác động tiêu cực và tái định hình trật tự kinh tế thế giới. Theo IMF, cuộc chiến ở Ukraine không những khiến giá cả năng lượng và thực phẩm leo thang cùng lạm phát mà còn làm gián đoạn dòng chảy thương mại, chuỗi cung ứng và kiều hối ở các nước láng giềng Ukraine.

Chiến sự còn làm xói mòn niềm tin kinh doanh và gây tâm lý bất an cho các nhà đầu tư, khiến giá trị tài sản sụt giảm trong lúc các điều kiện tài chính bị thắt chặt.

IMF khẳng định những quốc gia phải đối mặt với những nguy cơ trực tiếp về thương mại, du lịch và tài chính sẽ cảm nhận áp lực ngày càng lớn, nhất là ở những khu vực như Mỹ Latin và Trung Á. Cùng lúc, tình trạng bất ổn về an ninh lương thực nhiều khả năng gia tăng tại nhiều khu vực của châu Phi và Trung Đông, nơi những quốc gia như Ai Cập nhập khẩu 80% lúa mì từ Nga và Ukraine.

Tại châu Á, tác động lớn nhất sẽ được cảm nhận bởi các nước nhập khẩu dầu mỏ, bao gồm Ấn Độ và một số nền kinh tế Đông Nam Á. Đông Âu, nơi đón nhận phần lớn dòng người tị nạn từ Ukraine, sẽ hứng chịu những tổn thất tài chính cao hơn so với phần còn lại của châu lục. 

Tổng thống Joe Biden đến châu Âu

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 15-3 xác nhận Tổng thống Joe Biden sẽ đến châu Âu vào tuần tới để dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào ngày 24-3. Xuyên suốt cuộc họp này, theo CNN, Tổng thống Biden sẽ thảo luận những nỗ lực răn đe và phòng vệ đang được triển khai, hỗ trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng và giải quyết các thách thức khác liên quan đến xung đột.


CAO LỰC