Theo Reuters và CNBC, ngày 27-10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất tiền gửi 0,75 điểm phần trăm, tức lên 1,5%, mức cao nhất trong 13 năm, nhằm đối đầu với lạm phát phi mã. ECB cũng có thể cắt giảm bảng cân đối tài chính 8.800 tỉ euro, là các khoản mua nợ và cho vay cực rẻ đã kéo dài nhiều năm nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại.

Các nhà kinh tế cho rằng ECB có lập trường rất tích cực trong việc tăng lãi suất để kìm lạm phát nhưng sẽ có những rủi ro trong bối cảnh một cuộc suy thoái có thể xảy ra vào cuối năm nay.

Người đứng đầu về nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Công ty Đầu tư của Thụy Sĩ Picter Wealth Management – ông Frederik Ducrozet – dự báo: “Sự đồng thuận ngày càng tăng có vẻ như ủng hộ lãi suất huy động sẽ cán mức 2% vào cuối năm, ngụ ý mức tăng 0,5 điểm phần trăm nữa vào tháng 12…”.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde tại một cuộc họp báo về chính sách tiền tệ. Ảnh: REUTERS

Đợt tăng lãi suất của ECB đã khiến đồng USD tăng vào hôm 27-10. Trước đó đồng USD đã giảm mạnh trong nhiều ngày trước thông tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dù vẫn sẽ tăng lãi suất nhưng giảm tốc độ tăng vào tháng 12.

Đồng euro cũng đạt đỉnh trong cùng ngày, ở mức cao nhất trong hơn 1 tháng là bằng 1,0094 USD trước khi đảo chiều, giảm 0,13% còn 1,0066 USD trước quyết định của ECB.

Ngược lại, châu Á – Thái Bình Dương – nơi đóng góp 35% GDP toàn cầu – vừa được Công ty Phân tích thị trường tài chính S&P Global Market Intelligence dự đoán sẽ thống trị mức tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 với con số ấn tượng 3,5%. Theo S&P, điều này được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại tự do khu vực, chuỗi cung ứng hiệu quả và chi phí cạnh tranh.

Do bức tranh xám màu từ Âu – Mỹ, S&P đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu 0,6 điểm phần trăm so với mức 2% của tháng trước – chỉ còn 1,4% trong năm 2023. Đó là mức giảm mạnh so với mức tăng trưởng toàn cầu 5,9% của năm 2021 và chậm hơn nhiều mức 2,8% được kỳ vọng trong năm 2022.

“Với mức tăng trưởng vừa phải ở châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi, nền kinh tế thế giới có thể tránh được suy thoái nhưng tăng trưởng sẽ ở mức tối thiểu. Các điều kiện kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi khi lạm phát vẫn cao khó kiểm soát và các điều kiện thị trường tài chính thắt chặt” – Giám đốc điều hành nghiên cứu kinh tế của S&P Sara Johnson phân tích, kèm theo dự báo rằng châu Âu, Mỹ, Canada và Mỹ Latin sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái trong những tháng tới. 

Nhật Bản tung 200 tỉ USD giảm nhiệt lạm phát

Dự kiến hôm nay, 28-10, Nhật Bản sẽ công bố một gói chi tiêu trị giá 29.000 tỉ yen (tương đương 200 tỉ USD), theo Reuters. Số tiền này bao gồm các khoản trợ cấp nhằm giảm 20% hóa đơn tiền điện cho các hộ gia đình từ tháng 1 đến tháng 9 năm sau. Các nhà phân tích kỳ vọng các khoản trợ cấp sẽ đẩy chỉ số lạm phát lõi xuống.


ANH THƯ