Dinh Tổng Lãnh sự Pháp được các kỹ sư hải quân xây dựng năm 1872, là một trong những công trình điển hình của kiến trúc thời thuộc địa từ thế kỉ XIX tại Việt Nam.

Dinh được đại trùng tu vào năm 1959 và gần đây là trong hai năm 1998 – 1999 do Công ty Glauser thực hiện. Với tinh thần tôn tạo và gìn giữ, không gian kiến trúc, diện mạo của dinh vẫn giữ đúng theo nguyên bản và có rất ít sửa đổi so với bản đồ thiết kế gốc.

Nét đặc biệt của dinh thự không phải chỉ nằm ở tuổi đời của nó mà còn ở kỹ thuật thi công. Khung của tòa nhà được làm bằng thép và kim loại, gạch được nhập từ Pháp. Công trình không sử dụng bê tông để kết dính mà sử dụng cát trộn với mật mía.

Năm nay, công chúng sẽ được tham quan theo lộ trình số hóa qua ứng dụng mã QR bằng ba ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp) để khám phá lịch sử dinh thự và một vài giai thoại gắn liền với nó.

Để tòa nhà tránh tiếng ồn, ánh nắng mặt trời và mưa gió, hành lang được thiết kế có nhiều cửa sổ bốn cánh kéo dài đến tận trần nhà. Dọc hành lang mặt chính được đặt những chiếc ghế sơn mài khảm cẩm thạch có hoa văn hình trái tim hoặc hình thoi.

Trong khu vực phòng khách, nay là nơi tổ chức các sự kiện của Tổng Lãnh sự quán Pháp, du khách có thể thấy đồ nội thất thời nhà Nguyễn ở Huế được bố trí hài hòa. Ngoài ra, nơi này còn lưu giữ nhiều hiện vật, nội thất còn nguyên vẹn được bài trí theo kiến trúc Pháp thời bấy giờ.

Trên tường tại phòng khách treo những bức tranh nổi tiếng “Vườn Xuân” được tạo thành từ 9 bức tranh sắp xếp lại. Những bức tranh này là của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 -1993)

Bên trong phòng ăn, các dụng cụ ăn và cách bày biện đúng chuẩn dành cho khách VIP của dinh thự

Khách tham quan sẽ được hướng dẫn bởi các nhân viên của lãnh sự quán, bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.

Thời gian tham quan Tổng Lãnh sự quán Pháp diễn ra từ 9 giờ đến 17 giờ vào ngày thứ bảy 17-9, mỗi lượt tham quan diễn ra trong thời gian 30 phút tại cổng số 6 Lê Duẩn.

Khách tham quan sẽ thích thú với hình cầu thang xoắn ốc làm từ tàu chiến của Pháp. Cấu trúc này cho phép tháo rời, di chuyển khi cần thiết.

Công trình còn có nhiều kỷ vật có tuổi thọ lâu đời như chiếc tủ từ thời Đức hay chiếc muỗng từ thời Napoleon III

Dọc hành lang đặt hai ô kính lưu giữ những vật dụng bằng bạc như bộ đồ ăn, bình đựng nước, ly thủy tinh. Chữ viết tắt trên đồ bạc thể hiện các thời kỳ khác nhau mà chúng được chế tác.

Cùng với những kiến trúc Đông Dương thế kỷ XIX, tòa nhà 150 tuổi này còn có một công viên riêng rộng hơn 1,5 ha, trong đó có những cây lớn cùng tuổi với dinh thự.


Hoàng Triều